Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, trong năm 2020 đơn vị đã đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH; thực hiện khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, gian lận BHXH, bảo hiểm tự nguyện; rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ nợ bỏ trốn để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động một cách toàn diện, thận trọng.

Hơn 26.700 đơn vị, doanh nghiệp chậm nộp BHXH không còn khả năng thu hồi hơn 3.000 tỷHơn 26.700 đơn vị, doanh nghiệp chậm nộp BHXH không còn khả năng thu hồi hơn 3.000 tỷ

Về việc rà soát, thống kê số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 6 năm 2020, cả nước có 26.792 đơn vị, doanh nghiệp chậm nộp không còn khả năng thu hồi (doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn) với tổng số tiền 3.082.120.009.326 đồng, ảnh hưởng đến chế độ của 81.845 người lao động.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức công đoàn khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động, tuy nhiên hiệu quả của hoạt động này chưa cao, do đó Bộ dự kiến đề xuất sửa đổi quy định theo hướng giao cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn thực hiện việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội ra tòa án khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành thanh tra tại 375 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Qua thanh tra, đã ban hành 1.265 kiến nghị, 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội với tổng số tiền xử phạt là 5,14 tỷ đồng.

Trúc Mai