Dự án nhà máy thủ điện Hòa Bình mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 9220 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ đầu tư đối ứng 30%, vốn vay thương mại 70%.

Nhà máy có công suất 480 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện khoảng 488,3 triệu kWh/ năm. Dự án dự kiến sẽ được khởi công vào quý IV năm 2020 và phấn đấu hoàn thành vào năm 2023. Hiện các đơn vị liên quan đang gấp rút hoàn thành thủ tục cần thiết để thực hiện dự án.

Điểm thuận lợi của dự án là được kế thừa hạ tầng hiện hữu của nhà máy Thủy điện Hòa Bình, bao gồm: Hồ chứa, đập dâng và đập tràn. Các hạng mục xây mới gồm: Kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa dẫn nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy, kênh xả hạ lưu và hệ thống đấu nối 500 kV. Các thiết bị của nhà máy đều được sử dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ với nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu.

Hơn 9200 tỷ đầu tư mở rộng thủy điện Hòa Bình

Hơn 9.200 tỷ đồng đầu tư mở rộng thủy điện Hòa Bình

Được biết để có thể khởi công dự án vào quý IV năm 2020, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thống nhất giao quyền cho Hội đồng thành viên EVN thực hiện quyết định đầu tư dự án và chịu trách nhiệm trước Ủy ban. Điều này sẽ giúp EVN chủ động hơn trong việc triển khai dự án hiệu quả, tiết kiệm thời gian.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng bắt đầu được nghiên cứu từ năm 2009, nằm trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Bộ Công Thương đã bổ sung vào Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà ngày 2/12/2016. 

Dự án cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Đánh giá tác động môi trường vào tháng 1/2018. Công tác khảo sát hiện trường bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2018.

Đến nay, công tác lập thiết kế kỹ thuật và các báo cáo chuyên ngành của dự án đã cơ bản hoàn thành. Cơ quan tư vấn nước ngoài trợ giúp đang thực hiện rà soát, dự kiến hoàn thành thiết kế kỹ thuật và cung cấp hồ sơ cho tư vấn thẩm tra độc lập trong tháng 11/2019. 

Việc mở rộng Nhà máy nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa nước hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện.

Đồng thời, nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia cũng như giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa.

Ngọc Linh