Cam kết hành động vì khí hậu

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam bày tỏ, dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát, nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển. Song song đó chúng ta cũng cần cam kết và hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bởi sức khỏe của hành tinh cũng đóng vai trò quan trọng tương tự như sự ổn định và phát triển của nền kinh tế trong nước và toàn cầu.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, tầm nhìn của Unilever là thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua việc thực hiện các cam kết về môi trường và xã hội, hướng đến mục đích “mang cuộc sống bền vững trở nên phổ biến”. Dù vẫn cần nỗ lực hơn nữa để góp phần cải thiện hành tinh và xã hội, doanh nghiệp vẫn luôn kiên định với khát vọng trở thành người tiên phong trong hành trình phát triển bền vững với La Bàn Unilever gồm 3 trụ cột chính: Cải thiện sức khỏe của hành tinh; Cải thiện sức khỏe, sự tự tin và hạnh phúc của con người; Đóng góp vào một xã hội công bằng, hòa nhập hơn cho mọi người.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Unilever Việt Nam đặc biệt quan tâm và đang nỗ lực thực hiện hành động vì khí hậu thuộc trụ cột đầu tiên. Bởi biến đổi khí hậu không còn là vấn đề môi trường trong tương lai mà hiện đã và đang gây ra nhiều tác động đến đời sống, kinh tế và xã hội. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn…là những hậu quả dễ thấy nhất do biến đổi khí hậu gây ra tại đất nước ta.

Unilever Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2025, giảm 70% lượng phát thải tuyệt đối phát sinh từ hoạt động vận hành của Unilever (thuộc phạm vi 1, 2) so với năm 2015; Đến năm 2030, giảm 100% lượng phát thải tuyệt đối phát sinh từ hoạt động vận hành của Unilever (thuộc phạm vi 1, 2) so với năm 2015; Và đến năm 2039, hướng tới mục tiêu toàn bộ chuỗi giá trị đạt lượng phát thải bằng “0”.

Để hoàn thành cam kết trên, phương pháp tiếp cận của Unilever Việt Nam bao gồm kiểm soát các hoạt động trong chuỗi vận hành, trong toàn bộ chuỗi giá trị và hoạt động của các nhãn hàng từ Unilever, cũng như các hoạt động giúp tác động rộng lớn đến toàn xã hội.

Đầu tiên, Unilever Việt Nam đã loại bỏ khí thải carbon từ chính hoạt động vận hành thuộc tập đoàn. Tuy chiếm một phần nhỏ trong lượng phát thải từ toàn bộ chuỗi giá trị, nhưng đây chính là lượng khí phát thải mà Unilever Việt Nam có thể trực tiếp kiểm soát.

Cụ thể, Unilever Việt Nam đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng nhiên liệu Biomass. Đây là những viên gỗ sạch được tái chế từ 100% pallet hư hỏng, gỗ vụn, trấu...để sử dụng cho lò hơi, thay thế hoàn toàn nhiên liệu dầu diesel. Ngoài ra, để giảm phát thải gián tiếp từ tiêu thụ điện, hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo, Unilever Việt Nam đã bổ sung chứng chỉ năng lượng tái tạo IREC đối với nguồn điện đang sử dụng tại tất cả các nhà máy và văn phòng thuộc tập đoàn. Điều này có nghĩa là toàn bộ lượng carbon phát thải qua điện năng tiêu thụ được xem là carbon tích cực.

Từ năm 2007 đến năm 2021, Unilever Việt Nam đã loại bỏ 9.684 tấn CO2 mỗi năm. Riêng sáng kiến sử dụng nhiên liệu Biomass đã đưa Unilever Việt Nam trở thành đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi từ sử dụng dầu diesel sang nhiên liệu sinh khối có khả năng tái tạo – góp phần giảm 276 tấn khí thải CO2 và 511kg khí SOx mỗi năm.

Hội nghị thu hút được nhiều người quan tâm
Hội nghị thu hút được nhiều người quan tâm.

Chung tay giảm phát thải khí carbon

Trên thực tế, phần lớn lượng khí thải carbon của Unilever Việt Nam xuất phát trong toàn bộ chuỗi giá trị: Từ nguyên liệu thô, khí thải từ việc vận chuyển nguyên liệu, đến các hoạt động của nhà máy, sau đó là quá trình sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Hơn 75% ‘dấu chân’ carbon trong chuỗi cung ứng Unilever Việt Nam đến từ nguyên vật liệu đầu vào và các hoạt động bên ngoài hàng rào của doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng ‘0’, không còn cách nào khác là chúng ta phải hành động cùng nhau. Thực tế cho thấy, có những giải pháp mà từng đơn vị, doanh nghiệp thực hiện sẽ không khả thi trừ phi chúng ta thực hiện cùng nhau.

Vì vậy, Unilever Việt Nam không thể thực hiện các mục tiêu khí hậu một mình, mà cần đến sự hợp tác, chung tay của tất cả các đối tác, nhà cung cấp trong toàn chuỗi giá trị để cùng phát triển và thực hiện các giải pháp cắt giảm khí nhà kính.

Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững (Bộ Công Thương) tham gia Hội nghị với những chia sẻ liên quan đến môi trường.

Hiện nay, Unilever đã đạt một số kết quả tích cực bước đầu trong quá trình hợp tác giảm phát thải cùng các đối tác trong chuỗi giá trị: Giảm 100% phát thải CO2 và giảm 100% rác thải là bìa carton cho hoạt động vận chuyển bao bì từ Dynaplast; Chuyển đổi sang sử dụng 100% xe nâng điện, góp phần giảm 1.999 tấn CO2 phát thải tại toàn bộ trung tâm phân phối vào cuối năm 2021 so với năm 2020; Triển khai và hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc quản lý rác thải nhựa, pallet hỏng, thùng carton...; Biến rác thải trở thành nguồn năng lượng và phân bón lành mạnh, trở lại phục vụ cho hoạt động sản xuất.

Đây là nền tảng giúp Unilever Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác cùng các đối tác, nhà cung cấp trong chuỗi giá trị. Tại hội thảo, Unilever Việt Nam đã thực hiện ký kết cùng các đối tác nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hướng bền vững, hướng đến đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2039.

Đối với tỉ lệ phát thải của những phần thuộc chuỗi giá trị nhưng nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của Unilever, doanh nghiệp mong muốn có được sự đồng hành của Chính phủ và các bộ ngành nhằm hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động giúp tác động rộng lớn đến toàn xã hội, để đạt được các mục tiêu về giảm phát thải một cách toàn diện.

Unilever Việt Nam mong muốn các đối tác, các nhà cung cấp đặt ra mục tiêu cắt giảm phát thải carbon và phối hợp chặt chẽ cùng Unilever Việt Nam để phát triển và thực hiện các giải pháp dựa vào khả năng ứng dụng khoa học – công nghệ.

"Chúng tôi mong muốn sẽ có được sự hỗ trợ và đồng hành từ Chính phủ và các cơ quan bộ ngành thông qua các chiến lược và khuôn khổ chính sách về giảm carbon để Unilever Việt Nam và các doanh nghiệp cùng chí hướng có thể tự tin tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào một tương lai ‘không phát thải carbon’. Đồng thời, sự đồng hành của Chính phủ cũng sẽ tạo thêm động lực để nâng cao nhận thức của cộng đồng, truyền cảm hứng và kêu gọi hành động của người tiêu dùng, từ đó tạo ra tác động và thay đổi tích cực trong toàn xã hội”, Chủ tịch Unilever Việt Nam phát biểu.

Đồng quan điểm, ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững, Bộ Công Thương cũng bày tỏ mong muốn trong hội thảo: “Phát triển kinh tế carbon thấp sẽ là xu thế của Việt Nam. Nhằm phát triển nền kinh tế xanh hơn, thực hiện hiệu quả các chính sách, cam kết về phát thải khí nhà kính, cần có sự triển khai đồng bộ các giải pháp và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế. Theo đó, một số nhóm giải pháp cần ưu tiên chú trọng triển khai tới đây, cụ thể: (1) Hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, (2) Thúc đẩy áp dụng các mô hình bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực công thương, (3) Tăng cường hợp tác liên kết.

Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững, Bộ Công Thương
Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững, Bộ Công Thương.

Chúng tôi kỳ vọng với sự quan tâm, tham gia và gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa Unilever và các đơn vị cùng các bên liên quan trong các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững sẽ góp phần tạo ra lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường và xã hội, góp phần thực hiện các chính sách quốc gia về phát triển bền vững và cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại COP26”.

Trúc Mai