Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Hướng tới đạt được bình đẳng giới trên thị trường lao động

Báo cáo nghiên cứu mới của ILO Việt Nam kêu gọi phụ nữ và nam giới thay đổi tư duy nhằm thay đổi hành vi kinh tế của họ, hướng tới đạt được bình đẳng giới trên thị trường lao động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tác động của đại dịch COVID-19 nhìn từ góc độ giới

Theo báo cáo nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, trước đại dịch, hầu như không có sự chênh lệch trong tỷ lệ thất nghiệp giữa nam giới và phụ nữ nhưng tình trạng này đã xuất hiện từ quý III năm 2020.

Một lý do khác giải thích cho tình trạng giảm số giờ làm là tỷ lệ thất nghiệp nữ gia tăng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp nam vẫn duy trì ổn định. Ở đây có một điều cần phải làm rõ, đó là quy mô của sự gia tăng đó là ở mức vừa phải, so với sự gia tăng về quy mô nữ không tham gia hoạt động kinh tế. Trong quý II năm 2020, Việt Nam có thêm 120 nghìn phụ nữ thất nghiệp so với quý IV năm 2019, trong khi có thêm 1,8 triệu phụ nữ không tham gia hoạt động kinh tế.

Điều này cho thấy sự gia tăng về tỷ lệ “không làm việc” do COVID-19 gây nên chủ yếu xuất phát từ việc phụ nữ rời khỏi lực lượng lao động và chỉ một phần rất nhỏ là do phụ nữ bị thất nghiệp. Điều tương tự cũng áp dụng đối với nam giới, mặc dù cả tỷ lệ “không làm việc” lẫn tỷ lệ thất nghiệp ở nam giới tăng đều thấp hơn so với nữ giới. Đây là một phát hiện không hề ngạc nhiên xét trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Các nước trên thế giới, và ở mức độ thấp hơn là Việt Nam, đã phải cắt giảm quy mô hoạt động kinh tế để đảm bảo giãn cách xã hội. Trong trường hợp này, đối với hầu hết những lao động bị ảnh hưởng, họ không thể làm việc, đồng thời cũng không thể tìm kiếm việc làm mới khi các biện pháp phong tỏa hoặc đóng cửa nơi làm việc đang được áp dụng. 

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp theo hướng bất lợi đối với phụ nữ, mà điều này không tồn tại trước khi có đại dịch. Trong quý IV năm 2019, không có sự chênh lệch rõ ràng về tỷ lệ thất nghiệp giữa nam và nữ. Điều này đúng với cả thất nghiệp ở lao động thanh niên lẫn lao động trưởng thành. Khi đại dịch tấn công thị trường lao động của Việt Nam, tác động của nó đối với thất nghiệp thực sự không đồng đều trong lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ tăng trong quý III năm 2020 so với quý IV năm 2019. Điều này có nghĩa là trong số những phụ nữ tham gia lực lượng lao động dù đã giảm đi trong quý III năm 2020, một tỷ lệ lớn không có việc làm bất chấp việc họ sẵn sàng nhận việc ngay và tích cực tìm kiếm việc làm.

Nữ thanh niên là những người ghi nhận mức tăng rõ nhất (2,7 điểm phần trăm). Con số này hầu như không thay đổi trong quý IV. Gần 1/10 số phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 24 tích cực tìm kiếm và sẵn sàng đi làm ngay đã không thể tìm được việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trưởng thành tăng chút ít (1 điểm phần trăm). Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp nam giới, sau khi tăng vừa phải trong quý II, đã co hẹp trở lại vào nửa cuối năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp ở nam thanh niên giảm so với trước COVID, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở người trưởng thành hầu như không thay đổi trong quý III và giảm nhẹ trong quý IV. Khi so sánh tỷ lệ thất nghiệp trong quý III và quý IV năm 2020 với tỷ lệ thất nghiệp cùng kỳ năm 2019, trong đó loại bỏ tác động của yếu tố mùa. 

Kỳ vọng thu hẹp khoảng cách giới trong việc làm

Đại dịch COVID-19 không chỉ làm hằn sâu những bất bình đẳng hiện hữu mà còn tạo thêm những bất bình đẳng giới mới. Mặc dù phụ nữ trước đại dịch tham gia hoạt động kinh tế nhiều hơn mức trung bình của khu vực hoặc của các nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng vẫn tồn tại một khoảng cách nhất định giữa hai giới. Hậu quả của đại dịch là nới rộng thêm khoảng cách đó. Trong năm 2019, hầu như không có sự chênh lệch giữa nam và nữ trong cả nước về tỷ lệ thất nghiệp. Đến cuối quý III năm 2020, sự chênh lệch đã xuất hiện theo hướng bất lợi cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ.

Trước đại dịch COVID-19, phụ nữ đã phải gánh một gánh nặng kép có thể lượng hóa được, bao gồm số giờ làm tương đương với nam giới, cộng với số giờ làm việc gia đình nhiều hơn gấp đôi so với nam giới. Trong quý III và quý IV năm 2020, với hoạt động kinh tế bắt đầu hồi phục và trường học dần mở cửa trở lại, phụ nữ và nam giới phải làm thêm nhiều giờ, có lẽ là để bù đắp thu nhập bị mất ở các quý trước đó. Trung bình phụ nữ làm thêm nhiều giờ hơn nam giới, khiến gánh nặng kép của họ càng trở nên nặng hơn.

 “Căn nguyên của bất bình đẳng trên thị trường lao động chính là những vai trò truyền thống mà phụ nữ được kỳ vọng phải đảm nhận, và những kỳ vọng này được củng cố bằng các chuẩn mực xã hội,” Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Việc phụ nữ phải mang gánh nặng kép không chỉ là hiện tượng giờ mới được biết nhiều đến ở Việt Nam mà còn được truyền thống khích lệ. Người Việt Nam có câu ngạn ngữ nhắc nhở phụ nữ phải “giỏi việc nước (nghĩa là các việc ngoài gia đình), đảm việc nhà”. Việc đáp ứng ở cấp độ chính sách và xã hội chính là sự thừa nhận vai trò truyền thống đó như một thực tế, cũng như xu hướng ‘bảo vệ’ phụ nữ trong những vai trò đó. 

Từ thực tế đó mới dẫn tới việc quy định tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với phụ nữ thấp hơn nam giới hoặc việc loại trừ lao động nữ ra khỏi một số công việc nhất định. Những cách tiếp cận này càng củng cố vai trò giới truyền thống vốn là gốc rễ của sự bất bình đẳng đã được mô tả trong báo cáo này. Bình đẳng trong thế giới việc làm của Việt Nam chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở chuyển dịch cách tiếp cận, từ chỗ bảo vệ phụ nữ sang tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả người lao động, không phân biệt giới tính của họ. 

Ở cấp độ chính sách, Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 mở ra cơ hội thu hẹp khoảng cách giới trong việc làm. Chẳng hạn, Bộ luật quy định việc thu hẹp khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu, sẽ được thực hiện từng bước. Ngoài ra, theo Bộ luật mới, lao động nữ sẽ không còn bị luật pháp loại trừ khỏi một số ngành nghề được coi là có hại cho chức năng chăm sóc và nuôi dạy con cái. Thay vào đó, họ sẽ có quyền lựa chọn có tham gia vào những ngành nghề đó hay không, sau khi được tham mưu đầy đủ về những rủi ro liên quan. Những dấu hiệu tiến bộ này cho thấy sự sẵn sàng nâng cao cơ hội bình đẳng trong thế giới việc làm. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động vẫn cấu trúc các điều khoản hướng tới bình đẳng giới dưới dạng gắn với ‘lao động nữ’.

“Vai trò giới truyền thống vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của các cá thể và ảnh hưởng đến hành vi kinh tế của họ, như đã được mô tả trong báo cáo này. Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được kỳ vọng sẽ kêu gọi thu hẹp chênh lệch giới trên một số lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của người dân. Để đạt được mục tiêu này, một quá trình thực chất cần được xúc tiến nhằm thách thức và xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới vốn tồn tại từ lâu trong truyền thống của Việt Nam”, Báo cáo đưa ra kết luận.

Thái Bình

Bài liên quan

Tin mới

Nam Định tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng Ba
Nam Định tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng Ba

Chiều 29/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định và Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định chủ trì tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024.

Nam Định: Phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024
Nam Định: Phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024

Chiều ngày 29/3, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định tổ chức Lễ phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024 nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2024).

Gửi tiền MSB - nhiều khách hàng điêu đứng vì "mất trắng"
Gửi tiền MSB - nhiều khách hàng điêu đứng vì "mất trắng"

Thời gian qua, nhiều khách hàng của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) phản ánh việc tài khoản tiết kiệm của họ bỗng dưng "mất tiền". Gần nhất là vụ 8 khách hàng gửi tiền bị chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng.

Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX
Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX

Sáng 29/3, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX tổ chức Hội nghị lần thứ 20. Các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 14,4%
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 14,4%

Ngày 29/3/2024, Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh năm 2023 (kiểm toán), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.

Công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ tại tỉnh Bắc Ninh
Công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ tại tỉnh Bắc Ninh

Sáng 29/3, tại Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ.