Huyện Tân Lạc tập trung phát triển 3 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn
Huyện Tân Lạc tập trung phát triển 3 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn

Điểm đến du lịch hấp dẫn

Đến nay, một số điểm du lịch cộng đồng của huyện đã được hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước, như các điểm: xóm Lũy Ải, xã Phong Phú; bản Ngòi, xã Suối Hoa; xóm Bưởi Cại, xã Phú Cường; xóm Chiến, xã Vân Sơn…

Huyện Tân Lạc có xã Suối Hoa nằm trong vùng lõi quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Tại đây, đã có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp. Hiện tại, đã có 3 xã vùng cao của huyện được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030.

Với những ưu điểm về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, tài nguyên du lịch tự nhiên và giá trị bản sắc văn hoá dân tộc phong phú cùng sự nhiệt tình, mến khách của người dân, Tân Lạc đang là điểm nhấn của du lịch vùng Tây Bắc, là điểm đến du lịch lý tưởng cho những chuyến du lịch đầy hấp dẫn và vô cùng thú vị.

Nơi đây với điều kiện địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, chủ yếu là những dãy núi đá vôi có độ cao từ 150 - 1.100m so mực nước biển. Cùng với đó, Tân Lạc sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo như: Động Nam Sơn, vịnh Ngòi Hoa, núi Cột Cờ, hang Muối, động Mường Chiềng, hang Bưng, động Thác Bờ, động Hoa Tiên.

Những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hoá dân tộc Mường đặc sắc cùng với những danh lam thắng cảnh, di tích khảo cổ ấy là những tiềm năng, lợi thế để huyện phát triển du lịch.

Những năm qua, huyện chú trọng bảo tồn, tôn tạo các xóm làng, nhằm lưu giữ nét truyền thống và văn hóa Mường, gắn với phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, lễ hội.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh phát triển các làng nghề, khôi phục nghề dệt truyền thống; sản xuất những mặt hàng lưu niệm, quà tặng độc đáo, mang tính đặc trưng của địa phương, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp sạch và là đặc sản của địa phương như bưởi đỏ, su su, quýt, các loại rau.

Toàn huyện hiện có 11 di tích được công nhận, gồm 6 di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh. Nhân dân còn lưu giữ hơn 2.200 chiêng Mường; 579 bộ nhạc cụ dân tộc (ống ôi, ống sáo); khoảng 4.800 bộ trang phục dân tộc Mường.

Đến nay, những giá trị văn hoá của dân tộc Mường đã được công nhận như: Di sản văn hóa mo Mường, chiêng Mường, các sản phẩm thủ công, lễ hội truyền thống tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc.

Trên địa bàn huyện có nhiều hang động đẹp như: Động Nam Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia; hang Núi Kiến được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, có một số thác nước tự nhiên, nhiều điểm thăm quan, khám phá như: Đỉnh Lũng Vân, ruộng bậc thang Lũng Vân, đồi quýt cổ Nam Sơn, thung lũng su su Quyết Chiến… Cùng với đó, là các khu sản xuất nông sản hàng hóa đặc sản của vùng cao như: Tỏi tía Bắc Sơn, rau củ quả trái vụ Quyết Chiến, thảo dược, rau rừng, chè tuyết, gà giống bản địa Ngổ Luông.

Các chàng trai, cô gái Mường hát giao duyên trong lễ hội khai hạ Mường Bi
Các chàng trai, cô gái Mường hát giao duyên trong lễ hội khai hạ Mường Bi

Khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch

Huyện xác định phát triển du lịch trên địa bàn các xã vùng cao là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và người dân. Do đó, địa phương tập trung phát triển theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch. Đồng thời, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhiên, môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc.

Theo đó, huyện Tân Lạc phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 100% điều kiện và được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; đón 115.000 lượt khách du lịch (khoảng 15.000 lượt khách quốc tế); doanh thu từ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng.

Đến năm 2050, địa phương đặt mục tiêu xây dựng xã Vân Sơn trở thành thị trấn của huyện Tân Lạc, là trung tâm tiếp đón, phân phối khách du lịch đến các xã vùng cao và khu vực lân cận. Các xã vùng cao trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để hoàn thành các mục tiêu đó, thời gian tới, huyện sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông các điểm đến, giao thông kết nối liên vùng, điểm dừng chân, bãi đỗ phương tiện; hạ tầng kỹ thuật viễn thông. Huyện Tân Lạc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, ưu tiên xây dựng các cơ sở đạt tiêu chuẩn cao cấp, hỗ trợ cải tạo, nâng cấp các điểm du lịch cộng đồng; chú trọng trồng, bảo vệ rừng, xây dựng cảnh quan hấp dẫn, bản sắc dọc các tuyến đường, các điểm tham quan, du lịch.

Ngoài ra, huyện Tân Lạc tích cực xúc tiến, ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh để quản lý, quảng bá khu du lịch; tập trung phát triển 3 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, huyện phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch khác, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Song song đó, huyện Tân Lạc xác định mục tiêu đầu tư du lịch tập trung vào 3 xã trọng điểm gồm: Vân Sơn, Quyết Chiến và Ngổ Luông (cách trung tâm huyện khoảng 20 km về phía Tây, độ cao so với mực nước biển từ 800 -1000 m). Đây là khu vực có tỷ lệ che phủ rừng cao nên thời tiết, khí hậu luôn mát mẻ về mùa hè. Vào mùa đông, thời tiết thường lạnh hơn nhưng vẫn có nhiều ngày nắng đẹp, tạo nên cảnh quan mây núi vô cùng đặc sắc. Đặc biệt, trên địa bàn có nhiều hang động đẹp như: động Nam Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia; hang Núi Kiến được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Để tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc, thời gian tới, huyện Tân Lạc tăng cường thu hút đầu tư, kêu gọi những doanh nghiệp có thực lực đến triển khai các dự án du lịch, trong đó có du lịch văn hóa cộng đồng tại những khu vực lợi thế như hồ Hòa Bình, các xã vùng cao... Đồng thời, huyện xây dựng hình ảnh du lịch Tân Lạc có khả năng cạnh tranh và bền vững, gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường. 

Hoạt động du lịch tại các xã vùng cao huyện Tân Lạc ngày càng có nhiều bước chuyển biến. Để các xã vùng cao đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Chương trình và xây dựng Đề án “Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Tâm An