Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 Theo báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội thế giới - Xu hướng năm 2022 của ILO (Xu hướng WESO), mặc dù số liệu dự báo mới nhất này cho thấy tình hình có cải thiện hơn so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn số giờ làm việc toàn cầu trước đại dịch 2%.

Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì cao hơn mức trước Covid-19 ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính mức thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019. Báo cáo của ILO cũng lưu ý rằng tác động tổng thể đến việc làm lớn hơn đáng kể so với những gì được thể hiện bởi những con số này do nhiều người đã rời khỏi lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Việc hạ dự báo năm 2022, ở một mức độ nào đó, phản ánh tác động mà các biến thể Covid-19 mới như Delta và Omicron gây nên đối với thế giới việc làm cũng như mức độ không chắc chắn đáng kể về diễn biến tương lai của đại dịch.

Báo cáo Xu hướng WESO cảnh báo về mức độ khác biệt rõ rệt khi khủng hoảng tác động tới các nhóm lao động và các quốc gia. Những khác biệt này làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia và làm suy yếu cơ cấu kinh tế, tài chính và xã hội của hầu hết mọi quốc gia, bất kể tình trạng phát triển của họ. Có thể cần nhiều năm để khắc phục thiệt hại này, và tiềm ẩn những hệ quả lâu dài về khía cạnh tham gia lực lương lao động, thu nhập hộ gia đình và sự gắn kết xã hội và có thể là cả sự gắn kết chính trị.

Thị trường lao động ở mọi khu vực trên thế giới đều cảm nhận được tác động này, mặc dù có thể thấy được sự khác biệt lớn về quá trình phục hồi. Khu vực châu Âu và Bắc Mỹ hiện có những dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ nhất, trong khi triển vọng cho khu vực Đông Nam Á, Mỹ Latin và Caribe lại chậm nhất. Ở cấp quốc gia, sự phục hồi của thị trường lao động diễn ra mạnh mẽ nhất ở các nước thu nhập cao, trong khi tình hình của các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp hơn lại có xu hướng tồi tệ nhất.

Báo cáo cho biết việc làm của phụ nữ dự kiến sẽ còn tiếp tục chịu tác động nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng trong những năm tới. Trong khi đó, việc đóng cửa các cơ sở giáo dục và đào tạo “sẽ có tác động cộng gộp lâu dài” đối với thanh niên, đặc biệt là những người không được tiếp cận internet.

“Đã hai năm kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát, triển vọng phuc hồi vẫn còn mong manh và con đường phục hồi thì chậm và không chắc chắn,” ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO, nhận định và nhấn mạnh: “Chúng ta đều nhận thấy những thiệt hại lâu dài có thể xảy ra đối với thị trường lao động, cùng với sự gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng đáng lo ngại. Nhiều lao động buộc phải chuyển sang các loại hình công việc mới – ví dụ như để đối phó với sự sụt giảm kéo dài của lĩnh vực du lịch và lữ hành quốc tế.

Không thể có sự phục hồi thực sự từ đại dịch này nếu thị trường lao động không được phục hồi trên diện rộng. Để công cuộc phục hồi mang tính bền vững, sự phục hồi này phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc của việc làm thỏa đáng – bao gồm sức khỏe và an toàn, công bằng, an sinh xã hội và đối thoại xã hội”.

Báo cáo Xu hướng WESO cũng đưa ra số liệu dự báo toàn diện về thị trường lao động cho năm 2022 và 2023. Báo cáo đánh giá về mức độ phục hồi của thị trường lao động trên toàn thế giới, phản ánh các cách tiếp cận phục hồi từ đại dịch khác nhau của các quốc gia và phân tích tác động đối với các nhóm lao động và lĩnh vực kinh tế khác nhau.

Báo cáo của ILO cho thấy, cũng như trong các cuộc khủng hoảng trước đây, việc làm tạm thời đã tạo ra một vùng đệm, giúp một số người chống lại cú sốc của đại dịch. Mặc dù nhiều công việc tạm thời đã bị chấm dứt hoặc không được tiếp tục gia hạn, những công việc khác lại được tạo ra, bao gồm cả công việc cho những lao động đã mất công việc dài hạn. Tính trung bình, số lượng công việc tạm thời không thay đổi.

Báo cáo Xu hướng WESO cũng đưa ra tóm tắt các khuyến nghị chính sách chính nhằm tạo dựng một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng mang tính toàn diện và lấy con người làm trung tâm cả ở cấp quốc gia và quốc tế. 

Theo dự báo của ILO, số lao động thất nghiệp tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ ở mức khoảng 1,3 triệu người, tăng hơn so với năm 2021 (khoảng 1,2 triệu), và tương đương với mức thất nghiệp của năm 2020. Số lao động thất nghiệp sẽ giảm trong năm 2023 về mức tương đương năm 2021. Mức này vẫn cao hơn so với mức tiền khủng hoảng (1,1 triệu người năm 2019).

Việt Anh