Ngân hàng trung ương Indonesia đã tăng lãi suất theo hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày thêm 25 điểm cơ bản lên 6,25%, mức cao nhất kể từ khi công cụ này được giới thiệu vào năm 2016 - một động thái chỉ được một số ít các nhà kinh tế dự đoán theo cuộc khảo sát của Bloomberg. Thống đốc Perry Warjiyo cho biết rằng sự bất ổn toàn cầu đã bùng lên cùng với sự trỗi dậy của đồng đô la và xung đột ở Trung Đông, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách “có tính lường trước, hướng tới tương lai và phủ đầu”.
Động thái tăng lãi suất bất ngờ có thể tạo ra áp lực cho các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á đang phải tăng cường bảo vệ tiền tệ trong khi chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chính sách nới lỏng tiền tệ. Áp lực phải hành động càng gay gắt hơn đối với Ngân hàng trung ương Indonesia với nhiệm vụ chính là ổn định đồng rupiah. Họ cũng cảnh giác với những tác động dây chuyền đến lạm phát khi quốc gia này phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu.
Sau khi mất gần 5% so với đồng đô la trong năm nay, ngân hàng trung ương cũng cam kết tăng cường can thiệp ngoại hối, cũng như tăng lãi suất thị trường tiền tệ để thu hút thêm dòng vốn nước ngoài.
“Chúng tôi tin rằng đồng rupiah sẽ duy trì ổn định ở mức 16.200 mỗi đô la trong quý II và tăng lên mức trung bình 16.000 trong quý III, và tiếp tục lên mức trung bình 15.800 trong quý IV với các phản hồi chính sách của ngân hàng trung ương đã được đưa ra”, Thống đốc Warjiyo cho biết trong một hướng dẫn chi tiết hiếm hoi về triển vọng tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Đồng rupiah đóng cửa tăng mạnh hơn 0,4% so với đồng đô la vào thứ Tư (24/4) và giúp thu hẹp mức sụt giảm của đồng rupiah trong tháng này xuống còn 1,9%, đây là tiền tệ có hiệu suất tệ thứ ba ở châu Á do không chịu được sức mạnh của đồng đô la do kỳ vọng Fed có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất cũng như nhu cầu tăng cao theo mùa đối với đồng đô la.
Để củng cố hơn nữa lập trường của mình, Thống đốc Warjiyo đã không đề cập đến việc nới lỏng tiền tệ trong cuộc họp chính sách mới đây, đây là một sự thay đổi quan điểm sau khi trước đó nói rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ được xem xét sau giữa năm nay.
Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương Indonesia đã điều chỉnh dự báo về lộ trình lãi suất của Fed, với dự kiến Fed sẽ có đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đầu tiên vào tháng 12, nếu không phải là đầu năm 2025. Điều đó có thể ngụ ý rằng việc xoay trung của Indonesia cũng có thể phải chờ đợi.
Trong khi tăng trưởng giá nằm trong mục tiêu 1,5% - 3,5% của ngân hàng trung ương trong năm nay, đồng rupiah yếu hơn có nguy cơ thúc đẩy lạm phát bằng cách khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Thống đốc Warjiyo cho biết ngân hàng trung ương tự tin rằng lạm phát sẽ ở mức mục tiêu trong năm nay và năm tới do mùa thu hoạch giúp giá thực phẩm hạ nhiệt.
Theo Capital Economics, ngân hàng trung ương Indonesia đã nêu rõ rằng “việc hỗ trợ tiền tệ sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng trong những tháng tới”. Tuy nhiên, mức tăng này không nên được xem là tín hiệu cho sự bắt đầu của một chu kỳ tăng trưởng kéo dài, do lạm phát rất thấp và tăng trưởng đang gặp khó khăn.
Satria Sambijantoro, chuyên gia kinh tế của Bahana Securities cho biết: “Việc tăng lãi suất ngân hàng trung ương sẽ thu hẹp chênh lệch lợi suất, củng cố cán cân tài chính của Indonesia và cuối cùng là ổn định đồng rupiah đang chịu áp lực”.
Khi được hỏi liệu ngân hàng trung ương có khả năng tăng lãi suất thêm hay không, Phó Thống đốc Aida Budiman nói rằng các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện “bước chính sách táo bạo để duy trì sự ổn định…Chúng tôi không chỉ sử dụng một công cụ. Có những công cụ khác sẵn sàng được triển khai”.
Hà Trần (t/h)