Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Khai mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 12/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì và khai mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến họp đến ngày 16/8.

Khai mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Hình 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét năm dự án luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện và Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước) và một dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, sẽ tiến hành giám sát các nội dung gồm tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” để đoàn giám sát tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Tại phiên họp thứ 36 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đối với đề án biên chế Kiểm toán Nhà nước do còn một số nội dung cần tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung thêm nên chưa đưa ra phiên họp lần này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thời gian, chương trình công tác để dành thời gian tham gia phiên họp đầy đủ. Đồng thời, các cơ quan tổ chức hữu quan cũng cần tập trung, đặc biệt là thành phần dự họp để tham gia nghe thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu hoàn thiện chỉnh lý các văn bản.

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, còn một số ý kiến khác nhau về một số quy định trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN: Phạm vi sửa đổi, bổ sung; quyền khiếu nại Báo cáo kiểm toán; về đề nghị sửa nhiệm vụ KTNN thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thành “xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Thủ tướng Chính phủ”; bổ sung quyền của TKNN về văn bản quy phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, giám định tư pháp; quy định về việc tránh chồng chéo giữa kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; bổ sung quy định về quyền truy cập dữ liệu, phần mềm ứng dụng của cơ quan bị kiểm toán; quy định về giám sát hoạt động kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán.

Phát biểu thảo luận, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc lý giải: “Về quy định Kiểm toán viên nhà nước có quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, dữ liệu điện tử quốc gia và dữ liệu phần mềm ứng dụng của đơn vị được kiểm toán, nếu để lộ bí mật, cơ quan kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, cơ quan KTNN cần phối hợp với Thanh tra Chính phủ để tránh chồng chéo.

Để tránh sự chồng chéo giữa KTNN và TTCP, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Luật này phải minh định cái gì KTNN làm, cái gì của TTCP làm. Muốn vậy, Tổng KTNN và Tổng Thanh tra phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, nếu không làm rõ được thì báo cáo Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phân định.

Phát biểu về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu vấn đề: Cơ quan nào sẽ điều hòa hai cơ quan này (KTNN và Thanh tra Chính phủ) hay để cho hai cơ quan tự thống nhất? Theo đó, cần quy định rõ phạm vi nào KTNN thực hiện, phạm vi nào không được làm... 

Đồng thời, cần quy định rõ, cái gì kiểm toán viên nhà nước được truy cập vào dữ liệu của cơ quan bị kiểm toán bởi ở đây còn bí mật kinh doanh… Bởi có những quy định riêng biệt thuộc sự điều chỉnh của luật khác như Luật An ninh mạng…

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ băn khoăn việc cơ quan kiểm toán và kiểm toán viên có quyền truy cập hệ thống phần mềm ứng dụng của cơ quan bị kiểm toán.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, hồ sơ của dự án Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi lần này có điểm chưa chuẩn, cần hoàn thiện, bởi hơi ngược theo với quy trình bình thường: Ủy ban Tài chính và Ngân sách khi thẩm tra phải có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH đã thảo luận.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban Tài chính và Ngân sách lưu ý cần có Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH theo quy định.

“Lâu nay, quy trình và hồ sơ của các dự án luật đều có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH, nhưng lần này không có. Cần làm theo đúng quy định”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ.

Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của KTNN, bà Nga tán thành quy định KTNN được ban hành văn bản quy phạm nhưng được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chứ không phải luật này.

Đối với quy định KTNN được trưng cầu giám định tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ tán thành quy định này đối với một số trường hợp cần thiết, nhất là trưng cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Đồng thời Chủ tịch Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị: “Cần cụ thể hóa các nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng trong Luật KTNN lần này để thực hiện công cuộc phòng chống tham nhũng trong chính cơ quan KTNN”.

Về khiếu nại kết luận của Kiểm toán nhà nước, bà Nga đề nghị nên cân nhắc cách nào đó để quy định về việc cơ quan được kiểm toán có quyền khiếu nại đối với kết luận kiểm toán, bởi nếu ra kết luận kiểm toán xong mà không cho khiếu nại là không hợp lý.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc bổ sung quy định KTNN được ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính nhưng phải tuân theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, cân nhắc việc giao thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp cho KTNN với khối lượng công việc của KTNN đang rất nặng nề.

Trước ý kiến về việc cơ quan nào giám sát hoạt động của KTNN, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan giám sát hoạt động của KTNN.

Đối với quy định bổ sung quy định về chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị trong Luật này phải dẫn chiếu nguyên văn các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định cho phép cơ quan kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước có quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng của cơ quan bị kiểm toán. Điều này là cần thiết, song phải quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước.

 Hoan Nguyễn

Tin mới

Câu chuyện kinh doanh của đại gia bán lẻ công nghệ Việt Nam
Câu chuyện kinh doanh của đại gia bán lẻ công nghệ Việt Nam

Hiện nay, hai đại gia công nghệ có nhiều cửa hàng và kinh doanh nhiều loại hàng hóa khác nhau là FPT và Thế Giới Di Động. Hai "ông lớn" này đều đã lên sàn chứng khoán. Cổ phiếu của Thế Giới Di Động thì giảm trong tháng Tư nhưng cổ phiếu của FPT thì vẫn duy trì được độ hót nhất định.

Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa nâng cao công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024
Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa nâng cao công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá (QLTT) đã ban hành Quyết định số 333/QĐ-QLTTTH về ban hành Kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024.

Lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa triển khai công tác quản lý các hoạt động mùa du lịch biển 2024
Lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa triển khai công tác quản lý các hoạt động mùa du lịch biển 2024

Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hóa với cương vị là đơn vị chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Hoằng Hóa vừa xây dựng Kế hoạch số 66/KH-Đ3 ngày 17/4/2024 về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn khu du lịch biển Hải Tiến năm 2024.

Đồng Nai xuất khẩu sang Hoa Kỳ gần 2,2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2024
Đồng Nai xuất khẩu sang Hoa Kỳ gần 2,2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2024

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2024 của Đồng Nai đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 3,69% so với tháng trước và tăng hơn 12,7% so với tháng 4/2023.

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới nhưng sản lượng thịt heo năm 2024 của Việt Nam dự báo chỉ tăng nhẹ 0,5% so với năm trước lên 2,05 triệu tấn.

Thanh Hóa tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Thanh Hóa tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Để phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quyền lợi cho người dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trên địa bàn.