Nghiên cứu do TS. Eili Klein, nhà nghiên cứu cao cấp tại Tổ chức One Health Trust (OHT) dẫn đầu, chỉ ra rằng doanh số bán kháng sinh tại các quốc gia được khảo sát đã tăng từ 29,5 tỷ liều hàng ngày năm 2016 lên 34,3 tỷ liều năm 2023, tương đương mức tăng 16.3%. Ước tính tổng mức sử dụng kháng sinh toàn cầu hiện đạt 49,3 tỷ liều mỗi ngày.

Đáng chú ý, các quốc gia có thu nhập trung bình ghi nhận mức tăng 9,8% trong giai đoạn 2016-2019, trong khi các nước thu nhập cao lại giảm 5,8%. Đại dịch Covid-19 năm 2020 đã tạm thời làm giảm việc sử dụng kháng sinh, đặc biệt tại các nước phát triển với mức giảm 17,8%.

Theo tạp chí Lancet, kháng kháng sinh đang gây ra khoảng 5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Riêng tại Mỹ, có khoảng 2,8 triệu người nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, trong đó 35.000 người tử vong.

Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu

Theo thống kê của WHO, từ năm 2020-2023 Việt Nam có khoảng 269.700 ca tử vong liên quan đến kháng kháng sinh. Tỉ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam ở mức cao do lạm dụng và sử dụng kháng sinh quá mức, bán thuốc kháng sinh không có toa thuốc bác sĩ và chỉ định kháng sinh chưa hợp lý.

Mới đấy, Bộ Y tế vừa tổ chức mít tinh hưởng ứng Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc và hội nghị triển khai kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế 2024-2025.

Năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra chủ đề "Giáo dục, vận động, hành động ngay" nhằm đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết WHO xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Bộ Y tế cũng đang thực thi các quy định nhằm hạn chế việc lạm dụng và sử dụng sai mục đích kháng sinh trong cả lĩnh vực y tế và nông nghiệp

Tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của việc tự ý dùng thuốc, tầm quan trọng của việc hoàn thành liệu trình điều trị được kê đơn.

Theo ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kết quả giám sát kháng thuốc gần đây cho thấy tỉ lệ kháng kháng sinh cao được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện. Việc sử dụng sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc.

Trong ngành y tế, kháng thuốc đe dọa nhiều thành tựu của y học hiện đại. Nó khiến các bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn và làm cho các thủ thuật và điều trị y tế khác như phẫu thuật, sinh mổ và hóa trị liệu ung thư trở nên nguy cơ hơn.

Tại cuộc họp, ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, cho biết hiện nay các phương pháp điều trị đáng tin cậy nhất như kháng sinh, thuốc kháng virus, kháng nấm đang trở nên kém hiệu quả hơn do tình trạng kháng thuốc, khiến bệnh dai dẳng làm tăng chi phí điều trị, tăng nguy cơ tử vong

Theo dược sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội Dược học TP HCM, Chủ tịch Chi hội Dược Nhà thuốc TP HCM, cho biết, hiện nay có khoảng hơn 100 loại kháng sinh được dùng trong y học. Kháng sinh là giải pháp vàng và gần như không thể thiếu trong y học hiện đại.

Tuy nhiên, theo dược sĩ Kim Anh, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách sẽ biến kháng sinh thành con dao 2 lưỡi.

"Tình trạng người dân sử dụng kháng sinh bừa bãi không chỉ trong điều trị bệnh như không đúng loại, liều, hàm lượng, bán thuốc kháng sinh không có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc, người bệnh không tái khám sau khi sử dụng kháng sinh… dẫn đến kháng kháng sinh.

Kháng kháng sinh làm tăng cao chi phí điều trị, bác sĩ buộc phải dùng kháng sinh thế hệ mới để điều trị các bệnh viêm nhiễm thông thường"- Dược sĩ Kim Anh nói.

Vì thế, theo dược sĩ Kim Anh chúng ta cần tăng cường truyền thông, cảnh báo nguy cơ tiềm tàng của kháng kháng sinh với cộng đồng, nêu cao vai trò trách nhiệm xã hội của bác sĩ, dược sĩ, toàn ngành y tế chung tay góp sức đẩy lùi kháng kháng sinh.

Thiên Trường