Tuy nhiên, những hạn chế về mặt pháp lý dẫn đến tỷ lệ khởi kiện thành công chưa cao cho thấy yêu cầu sớm sửa đổi một số điều luật liên quan, qua đó tạo cơ chế thuận lợi cho hoạt động khởi kiện, góp phần ngăn chặn và tiến tới giảm thiểu tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Khoảng 50% DN trốn đóng
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay, trong dữ liệu của cơ quan thuế có gần 500.000 DN. Tuy nhiên, số DN tham gia BHXH chỉ có hơn 235.000. Như vậy, khoảng 50% DN chưa tham gia, hay có thể gọi là trốn đóng BHXH.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) quy định, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện DN nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Tính đến tháng 2-2017, các cấp công đoàn trong cả nước đã tiếp nhận hơn 1.150 hồ sơ DN nợ do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển sang và đã có 39 Liên đoàn lao động cấp tỉnh, thành phố khởi kiện 77 DN ra tòa. Tuy nhiên, có tới 17 hồ sơ bị tòa án trả lại và 60 hồ sơ tòa án chưa trả lời.
Để việc khởi kiện có kết quả khả quan, chính người lao động cần ý thức được quyền lợi chính đáng của mình
Lý do chính khiến tòa án không thụ lý hồ sơ là vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết; không có ủy quyền khởi kiện của tập thể người lao động cho tổ chức công đoàn… Ngoài ra, theo quan điểm của Tòa án nhân dân Tối cao, hành vi trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội bị pháp luật nghiêm cấm, nếu có quyết định thanh tra mà DN chây ỳ thì vụ việc sẽ được đưa ra cấp cao hơn để xử lý hành chính.
Trường hợp DN tiếp tục chây ỳ thì có thể khởi tố vụ án theo Bộ luật Hình sự chứ không khởi kiện dân sự. Cụ thể, theo Bộ luật Hình sự năm 2015, có nhóm tội danh liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Người trốn đóng hoặc gian lận tiền bảo hiểm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 lại đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung nên chưa được áp dụng. Một khó khăn khác là các DN thường bất hợp tác với cơ quan chức năng, không ký nhận biên bản đối chiếu công nợ làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện.
Tình trạng khởi kiện được cho là lâm vào bế tắc so với thời điểm trước khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực, tức là khi việc khởi kiện còn được giao cho cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam thay vì tổ chức Công đoàn. Khi đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khởi kiện tới 8.000 vụ; phía tòa án đã xử gần 4.000 vụ, thu hồi gần 9.800 tỷ đồng.
Việc Luật Bảo hiểm xã hội trao cho tổ chức Công đoàn chức năng khởi kiện là bởi Công đoàn đại diện cho quyền lợi hợp pháp của người lao động. Việc khởi kiện phải có ủy quyền của tất cả người lao động nhưng vì công đoàn cơ sở lại ở ngay trong lòng doanh nghiệp và “ăn lương” của DN nên rất khó để chủ tịch công đoàn cơ sở khởi kiện chính giám đốc DN.
Bản thân người lao động cũng không muốn khởi kiện ông chủ của mình. Bên cạnh đó, ngay cả khi người lao động đồng ý khởi kiện thì vấn đề ủy quyền cũng không đơn giản. Theo quy định, muốn ủy quyền thì từng người lao động phải cùng với chủ tịch công đoàn cơ sở đến UBND xã, phường hoặc phòng công chứng để làm giấy ủy quyền với lệ phí lên tới 130 nghìn đồng/người.
Đó là yêu cầu khó thực hiện, nhất là với các DN có hàng nghìn lao động. Ngoài ra, khi đã có ủy quyền của người lao động, tòa án sẽ thụ lý đối với từng người vì đây là tranh chấp cá nhân. Đó là một quá trình dài mà không phải ai cũng muốn theo đuổi.
Tháo gỡ vướng mắc
Để tháo gỡ vướng mắc, theo ông Mai Đức Chính, cần kiến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, Luật cần quy định rõ: Công đoàn cấp trên được quyền khởi kiện mà không cần có sự ủy quyền của người lao động hay tổ chức công đoàn cơ sở. Trong điều kiện đó, công đoàn cấp trên sẽ có quyền khởi kiện như Bảo hiểm xã hội Việt Nam trước kia, nhưng hồ sơ thì do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ủng hộ đề xuất trên khi cho rằng: Hiện nay, theo quy định của pháp luật, công đoàn cấp trên được quyền can thiệp, hỗ trợ và tư vấn cho công đoàn cơ sở hoặc doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Như vậy, tổ chức này hoàn toàn có thể đứng ra khởi kiện thay cho công đoàn cơ sở mà không trái pháp luật.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh phản ánh một giải pháp từng được kiến nghị. Theo đó, ngoài việc để tổ chức Công đoàn khởi kiện thì nên cho phép cơ quan bảo hiểm xã hội (với tư cách đại diện Nhà nước quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội) cũng có quyền khởi kiện nhằm bảo đảm quyền lợi người lao động và vì lợi ích của cả xã hội... Muốn thực hiện đề xuất này, Luật Bảo hiểm xã hội hoặc Bộ luật Tố tụng dân sự cần được sửa đổi.
Trước ý kiến trên, ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ băn khoăn: Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã được giao thêm chức năng thanh tra, tức là có thêm một phần chức năng quản lý nhà nước, vì vậy không thể thêm chức năng khởi kiện. Thay vào đó, mỗi cơ quan như Thanh tra Nhà nước, Thanh tra ngành Bảo hiểm xã hội, Công đoàn cùng tập trung vào nhiệm vụ chính của mình thì vấn đề thu hồi nợ đọng có thể được xử lý tốt hơn. Bên cạnh đó, cần thực hiện giải pháp không thể thiếu: Các tổ chức công đoàn phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp của đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt là ý thức tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân người lao động.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các DN ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về số tiền nợ bảo hiểm xã hội với số nợ lần lượt là hơn 3.100 tỷ đồng và hơn 2.800 tỷ đồng. Còn theo Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, trong số 500 DN nợ đọng bảo hiểm xã hội lớn nhất, đứng đầu là Công ty CP Lilama 3 - hơn 25 tỷ đồng, tiếp theo là Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment - hơn 19 tỷ đồng... và hàng chục DN khác nợ 10-15 tỷ đồng...
Theo Hà nội mới