Trong năm 2022, các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ
Trong năm 2022, các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.

Chiều ngày 23/12/2022, tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Võ Hữu Hiển cho biết, năm 2022, đơn vị đã xác định nhiệm vụ trọng tâm gồm 04 nhóm công việc chính: Tiếp tục hoàn thiện chính sách chế độ về quản lý nợ công và quản lý nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài vào Việt Nam; Tiếp tục hoàn thiện và đổi mới khuôn khổ quản lý nợ và các công cụ quản lý nợ chủ động, kiểm soát thận trọng nợ công tạo dư địa cho chính sách tài khóa; Bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ huy động vốn và thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi cho phát triển kinh tế-xã hội; Tiếp tục nghiên cứu hình thành cơ quan quản lý nợ công chuyên nghiệp, hiện đại theo thông lệ quốc tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nợ công.

Bên cạnh đó Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ được giao, như: tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đồng thời tham mưu cho Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành các công cụ quản lý nợ chủ động; Tổng kết, đánh giá công tác vay, trả nợ công, chiến lược nợ công đến năm 2030; Tổ chức công tác huy động, giải ngân vốn nước ngoài theo dự toán năm 2022; Thực hiện đồng bộ các hoạt động liên quan đến công tác kiểm soát cho vay lại và rủi ro cho vay lại; Việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay tiếp tục bám sát chủ trương quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ.

Ông Võ Hữu Hiển cũng cho biết, trong năm 2022, các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ được Quốc hội phê chuẩn, góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa. Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2022 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.

Dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 70% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là TPCP có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 12,67 năm tính đến ngày 15/12/2022); nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi có thời hạn dài, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 2022.

Trên cơ sở kết quả công tác đã đạt được năm 2022 và yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra cho công tác quản lý nợ, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Cục với khoảng 400 đầu việc, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ: Kế hoạch và quản lý rủi ro; huy động vốn; giải ngân; quản lý bảo lãnh và cho vay lại; quản lý vốn viện trợ; xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo.

Hải Minh (t/h)