Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng qua 2-5 khâu trung gian, khiến giá thịt lợn tăng khoảng 43%. Do vậy, bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh việc tái đàn lợn nhằm bảo đảm nguồn cung, thì việc giảm tối đa khâu trung gian từ giết mổ tới tiêu thụ trên thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với đó là tăng cường các biện pháp kiểm soát thị trường, nhất là giá bán ở các doanh nghiệp chế biến thực phẩm cũng như ở chợ dân sinh.
Về kiểm soát khâu tiêu thụ thịt lợn, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, qua đó xử lý nghiêm các doanh nghiệp, người kinh doanh có biểu hiện lợi dụng găm hàng hoặc đẩy giá bán thịt lợn một cách bất hợp lý…
Nhiều địa phương đã yêu cầu các đơn vị phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các hành vi tăng giá, gây bất ổn thị trường từ các cơ sở chăn nuôi, lò giết mổ, doanh nghiệp...; đồng thời, thường xuyên kiểm tra về an toàn thực phẩm và tiêu thụ tại chợ dân sinh, qua đó xử lý nghiêm khắc, kịp thời các trường hợp kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và tăng giá quá cao, gây bất ổn cho thị trường.
Các doanh nghiệp nhập khẩu, cung cấp thịt lợn cho rằng, về lâu dài, để bảo đảm ổn định thị trường thịt lợn cần phải bớt khâu trung gian bằng cách sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Để ổn định giá mặt hàng thịt lợn, các cơ quan chức năng cần triển khai ngay các giải pháp ngăn tình trạng thương lái, tiểu thương lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân để “thổi giá”. Cùng với đó, các bộ, ngành tham mưu Chính phủ xem xét đưa mặt hàng thịt lợn vào nhóm hàng hóa bình ổn giá. Còn về lâu dài, cần sản xuất theo chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn để ổn định giá thịt lợn.
Bảo Lâm