Bước vào đầu nhiệm kỳ Trung ương khóa XI, năm 2011, kinh tế Việt Nam bộc lộ hàng loạt vấn đề nghiêm trọng.
Nợ xấu ngành ngân hàng tăng vọt lên xấp xỉ 20%. Lãi suất cho vay tăng vọt lên 23%-25%. Lạm phát tăng tới 18,13%; quy mô dự trữ ngoại hối từ gần 21 tuần nhập khẩu năm 2007 xuống còn khoảng 3,5 tuần nhập khẩu vào quý I/2011 (dưới 10 tỷ USD).
Nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn đổ vỡ, thị trường chứng khoán lao dốc. Đầu tư toàn xã hội năm 2011 giảm 9,7%, đầu tư khu vực Nhà nước giảm 13,5%, khu vực ngoài Nhà nước giảm 4,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 8,2% (so với năm trước, theo giá so sánh 1994). Số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước đang hoạt động chỉ vọn vẹn 288.838 doanh nghiệp.
Sau 12 năm, đến hết năm 2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,57 triệu tỷ đồng, cao gấp 5,47 lần dư nợ tín dụng cuối năm 2010. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống dưới 3% trước đại dịch Covid-19 (hiện nay nợ xấu nội bảng 4,94%). Lạm phát từ năm 2013 luôn được kiềm chế dưới 4%. Dự trữ ngoại hối tăng lên xấp xỉ 100 tỷ USD, cao gấp 10 lần so với đầu năm 2011.
Số lượng doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động đạt hơn 920.000 doanh nghiệp, gấp 3,18 lần so với năm 2010. Tổng vốn đầu tư của khu vực dân cư và tư nhân đạt 1.919,7 nghìn tỷ đồng, cao gấp 6,4 lần so với cuối năm 2010.
Những kết quả đạt được ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực không ngừng của nhân dân ta, sự điều hành quyết liệt của bộ máy nhà nước và trên hết là sự chỉ đạo lãnh đạo kịp thời của Đảng ta.
Thật vậy, để kinh tế tư nhân có thể phát triển được như ngày nay, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về quan điểm, thể chế, định hướng và quyết sách của Đảng cầm quyền.
Những đổi mới thể chế căn bản
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Trung ương khóa XI, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta đã đặt ra hai nhiệm vụ có tính nền tảng cần giải quyết. Đó là sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh của Đảng và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.
Kết quả là, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) ra đời, khẳng định sự đa dạng của các hình thức sở hữu, hình thức phân phối, hình thức tổ chức kinh doanh của nền kinh tế nước ta và mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, cùng cạnh tranh, hợp tác cùng phát triển.
Cương lĩnh khẳng định: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”.
Đồng thời khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Để hỗ trợ cho các động lực kinh tế, Cương lĩnh cũng nhấn mạnh vai trò hình thành và phát triển các loại thị trường để đảm bảo nền kinh tế vận hành theo quy luật, nguyên tắc thị trường: “Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Kinh tế tư nhân phát triển cần phải có một hệ thống pháp luật đồng bộ, hệ thống tư pháp hiệu lực hiệu quả, có sự phản biện của các tổ chức xã hội thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những yếu tố này đã được sửa đổi bổ sung vào trong Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp năm 2013 đã xác định nhiệm vụ của Tòa án Nhân dân không chỉ là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, mà còn là cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hiến pháp 2013 cũng quy định bổ sung mới về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đó là “vai trò phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Quy định này đã giúp cho quá trình xây dựng, hoạch định chính sách được nhìn nhận, xem xét trên nhiều bình diện khác nhau một cách khách quan và đầy đủ. Tiếng nói của đại diện doanh nghiệp trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được hiến định.
Bộ máy nhà nước kém hiệu quả, tham nhũng là những nguyên nhân quan trọng nhất làm cho các nền kinh tế trên thế giới trì trệ, các thành phần kinh tế, bao gồm kinh tế tư nhân, không thể phát triển và có đóng góp ý nghĩa cho đất nước. Nhận thức được điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định: Đảng phải vững mạnh thì đất nước mới phát triển và dân tộc trường tồn.
Công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã được phát động từ Nghị quyết Trung ương IV khóa XI “Một số vấn đề cấp bách xây dựng đảng hiện nay” và thực hiện quyết liệt thông qua Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư làm Trưởng ban không chỉ đã củng cố được lòng tin của người dân vào Đảng, mà còn đã nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
Cùng với những thay đổi những thể chế căn bản, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh tế liên tục được sửa đổi, hoặc xây mới theo hướng tạo thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, như trong các Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Ngân sách nhà nước, các luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế hải quan… Những thay đổi này đã cải thiện rõ rệt môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), hiệu quả quản trị quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2022 đã có sự thay đổi rõ rệt. Xếp hạng về hiệu quả bộ máy nhà nước liên tục được cải thiện, tăng từ nhóm 45,02% phía dưới vào năm 2012 lên 59,43% vào năm 2022. Các chỉ số kiểm soát tham nhũng và chất lượng chính sách cũng cải thiện mạnh mẽ.
Những chủ trương về phát triển kinh tế tư nhân và doanh nhân
Tổng Bí thư là người kiên định về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng là người luôn ủng hộ sự phát triển của doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.
Từ tháng 9/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW, khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân phải gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước”.
Đến năm 2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW tiếp tục khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”; “Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Những Nghị quyết này là chủ trương, định hướng lớn của Đảng ta để bộ máy nhà nước thể chế hóa, hiện thực hóa các chính sách cụ thể xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay.
Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, khi xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư đã đề nghị lấy số là 10-NQ/TW, với mong muốn Nghị quyết này như là một “khoán 10” trong thời kỳ cất cánh của đất nước.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội Nghị Trung ương 5 khóa XII, Tổng Bí thư đã nói: “Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân "là một trong những động lực" và đến nay "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta….”.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: “Thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy những kết quả, thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; triển khai, thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách mới được khẳng định, kế thừa hoặc bổ sung, phát triển tại Hội nghị lần này. Trước hết, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội”.
Cho đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng kinh tế tư nhân ở nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc.
Đã có doanh nghiệp xuyên quốc gia niêm yết trên thị trường nước ngoài; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước mà chủ yếu là doanh nghiệp có vốn của tư nhân chiếm hơn 25% GDP. Trong những lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, tài chính, bán lẻ…, các doanh nghiệp trong nước đã thể hiện năng lực cạnh tranh vượt trội so với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh toàn cầu trong các lĩnh vực công nghệ cao như kỹ thuật số, AI, luyện kim, chế biến thực phẩm, sản xuất phương tiện vận tải…
Những thành tựu này có dấu ấn không nhỏ của người lãnh đạo tài năng, đức độ, tận tụy, cống hiến hết mình của Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo báo Đầu tư