Đến nay, các địa phương, đơn vị đã đăng ký diện tích trồng dược liệu, sâm Ngọc Linh được 2.484.5 ha, đạt 99,4% kế hoạch.
Đối với sâm Ngọc Linh, các tổ chức, cá nhân đã chuẩn bị khoảng 5,05 triệu cây, đạt 101% kế hoạch; trong đó, các tổ chức, doanh nghiệp đã chuẩn bị được khoảng 4.820.000 cây giống Sâm Ngọc Linh tương đương 482 ha (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô 100.000 cây tương đương 10 ha; Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum 3.000.000 cây tương đương 300 ha; Công ty cổ phần Vingin 1.670.000 cây tương đương 167 ha; Công ty TNHH Thái Hòa Kon Tum, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông trồng mới 50.000 cây tương đương 05 ha.
Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei đã chuẩn bị khoảng 180.000 cây giống để trồng Sâm Ngọc Linh; Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh chuẩn bị được khoảng 50.000 cây giống Sâm để cung ứng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn 02 xã Mường Hoong, Ngọc Linh và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 07 doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức ươm giống Đảng sâm và các cây dược liệu khác: Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, HTX Dược liệu Ngọc Lây, HTX nông lâm nghiệp - thương mại và dịch vụ xã Tê Xăng, HTX dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông, HTX nông nghiệp dược liệu Đăk Na, HTX công đồng phụ nữ Đăk Viên, HTX dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Ngọc Yêu.
Các huyện khác đã chủ động liên kết hoặc ký hợp đồng với các chủ cơ sở sản xuất giống dược liệu đảm bảo chất lượng đề cung ứng cho người dân như: Vườn ươm của Ban quản lý Dự án Măng Đen khoảng trên 2-3 triệu cây giống dược liệu; Trường Cao đẳng Cộng đồng có khả năng cung ứng được khoảng 10.000-20.000 cây dược liệu nuôi cấy mô (lan kim tuyến, dẻ hạt...); Trung tâm ứng dụng KHCN tỉnh cung ứng khoảng 300.000 – 400.000 cây dược liệu nuôi cấy mô).
Tuy nhiên, công tác ươm và cung cấp giống dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển dược liệu chưa đáp ứng được yêu cầu; việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác bao bì, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm dược liệu còn yếu và hạn chế.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép triển khai và áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong các lĩnh vực khác có liên quan công tác phát triển dược liệu như: Nông nghiệp ứng ụng công nghệ cao, y tế, khoa học và công nghệ để hỗ trợ cho các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu chưa được quan tâm, do việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển dược liệu gắn với chế biến trên địa bàn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
PV