Những quyết định làm “mất lòng” đồng minh

Hầu như có rất ít người ở Washington có nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại hơn Tổng thống Biden. Nhà lãnh đạo Mỹ từng là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trong hơn 1 thập kỷ và đóng vai trò then chốt trong việc định hình các chính sách về những vấn đề toàn cầu dưới thời cựu Tổng thống Obama trên cương vị là một Phó Tổng thống.

Tổng thống Biden. Ảnh: Getty
Tổng thống Biden. Ảnh: Getty

Sau 4 năm hỗn loạn dưới thời cựu Tổng thống Trump, ông Biden tuyên bố sẽ đưa "Nước Mỹ trở lại" ngay từ một trong những bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại khi ông trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, gần 1 năm đảm nhiệm cương vị này, bất chấp những kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, Tổng thống Biden không tránh khỏi những bước đi làm mất lòng đồng minh.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là vấn đề đứng đầu danh sách này. Taliban đã nhanh chóng giành được quyền kiểm soát Afghanistan trước khi Mỹ hoàn tất việc rút quân, gây ra cảnh tượng hỗn loạn ở sân bay Kabul với hàng nghìn người tuyệt vọng chạy khỏi đất nước Tây Nam Á này.

David Axelrod, cựu chiến lược gia, đồng thời từng là cố vấn cho cựu Tổng thống Barack Obama nhận định hồi tháng trước trên New York Times rằng, tình trạng lộn xộn trong quá trình sơ tán khỏi Afghanistan đã làm giảm đi "một số điểm mạnh cốt lõi của Tổng thống Biden như năng lực lãnh đạo, kỹ năng bậc thầy về chính sách đối ngoại và khả năng thấu cảm".

"Mọi thứ như thể là ông ấy gấp rút chấm dứt cuộc chiến nay tới nỗi bỏ qua cả việc lên kế hoạch và quá trình thực hiện", ông Alexlrod cho hay.

Đối mặt với những chỉ trích về sự hỗn loạn trong quá trình sơ tán khỏi Afghanistan, Tổng thống Biden và các cố vấn của ông đã nhiều lần khẳng định rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn lại sụp đổ nhanh như vậy trước Taliban.

"Tôi có một vài câu hỏi nghiêm túc về khả năng lãnh đạo đất nước của ông ấy với vai trò là một tổng tư lệnh", Ryan Crocker – Đại sứ Mỹ tại Afghanistan dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama nhận định hồi tháng 8. Ông cũng cho rằng, tình trạng ở Afghanistan "thật đáng buồn. Nó giống như một vết thương tự mình gây ra cho mình vậy".

Taliban đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan - ít nhất một nửa quận huyện của nước này vào thời điểm Tổng thống Biden thông báo sẽ rút toàn bộ binh lính còn lại của Mỹ vào tháng 4/2021.

Rõ ràng, quân đội Afghanistan, vốn đối mặt với tình trạng tham nhũng và thiếu kỷ luật trong nhiều năm, đã có một khoảng thời gian khó khăn trong việc ngăn chặn lực lượng Taliban mà không có Mỹ hậu thuẫn.

Những gì xảy ra ở Afghanistan không thể đổ lỗi cho một người cụ thể. Tuy nhiên, việc rút quân khỏi Afghanistan thực sự là một thảm họa với Tổng thống Biden. Sau động thái này, quân đội Mỹ đã chứng kiến ngày chết chóc nhất trong 1 thập kỷ khi nhóm khủng bố IS-K tấn công sân bay Kabul khiến 13 quân nhân Mỹ và 169 người Afghanistan thiệt mạng.

Chính quyền Tổng thống Biden đã phản ứng trước vụ đánh bom liều chết của IS-K bằng các cuộc không kích sử dụng máy bay không người lái. Tuy nhiên, một trong các cuộc không kích này đã khiến 10 dân thường Afghanistan thiệt mạng ở Kabul, trong đó có 7 trẻ em. Các quan chức cấp cao của Mỹ đã phải đứng ra xin lỗi và thừa nhận rằng họ đã phạm sai lầm. Cuộc không kích này cũng được cho là hành động đáng xấu hổ cuối cùng của Mỹ khi đánh dấu một cái kết không trọn vẹn cho cuộc xung đột dài nhất trong lịch sử.

Tổng thống Biden khẳng định sẽ khôi phục các liên minh của Mỹ thời kỳ "hậu Trump" nhưng việc rút quân khỏi Afghanistan đã làm lung lay niềm tin của các đồng minh NATO chủ chốt. Bộ trưởng Quốc phòng Anh thậm chí đã đánh giá rằng, Mỹ không còn là một siêu cường nữa.

Lung lay về sự lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ

Ngoài vấn đề Afghanistan, động thái mới đây của chính quyền Tổng thống Biden cũng đẩy Pháp ra xa mặc dù Paris một trong những đồng minh thân cận và lâu năm nhất của Washington.

Mỹ đã tiến hành thỏa thuận đối tác tàu ngầm hạt nhân với Anh và Australia, dẫn đến việc hủy bỏ thỏa thuận giữa Australia và Pháp trước đó. Phản ứng trước việc này, lần đầu tiên trong lịch sử, Pháp đã triệu hồi đại sứ của nước này ở Mỹ để tham vấn. Bị cho ra rìa trong thỏa thuận trên, Pháp cảm thấy giận dữ khi bị chính các đồng minh của mình phản bội.

"Đây là một quyết định tàn bạo, đơn phương và không thể đoán định, nhắc tôi nhớ về nhiều điều mà ông Trump từng làm", Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Dria nhận định hôm 16/9, đồng thời gọi thỏa thuận trên là một "cú đâm sau lưng".

Ngày 21/9 (giờ Mỹ), Tổng thống Biden đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ đã nỗ lực thuyết phục các "khán giả" của mình rằng , "kỷ nguyên" của cựu Tổng thống Trump trôi qua từ lâu và Mỹ đã quay lại dẫn đầu bàn đàm phán với vai trò lãnh đạo toàn cầu.

"Chúng tôi đã quay lại bàn đàm phán trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc để tập trung và thúc đẩy hành động toàn cầu đối với những thách thức chung. Khi Mỹ nỗ lực tập hợp thế giới hành động, chúng tôi không chỉ là dẫn đầu với tấm gương về sức mạnh, mà còn bằng sức mạnh từ việc trở thành một tấm gương".

Tuy nhiên, theo nhà quan sát John Haltiwanger đánh giá trên Business Insider, "tấm gương" của Mỹ qua những động thái gần đây dường như đang khiến cho các quốc gia không mấy hào hứng để đi theo./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)