Hội thảo lần này đặc biệt có sự góp mặt và chỉ đạo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cùng đại diện các cơ quan Quản lý Nhà nước trung ương và địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp và nhiều cơ quan thông tấn, báo đài quan tâm đến công tác chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Hiện trạng hàng giả, hàng nhái và nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt trước sự phát triển của khoa học công nghệ, ngoài mặt tích cực không nhỏ cho nền kinh tế thì khoa học công nghệ phát triển mạnh cũng là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp đặc biệt là việc bảo vệ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ.

Làm gì để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0? - Hình 1

Toàn cảnh buổi hội thảo

Tại buổi hội thảo các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi, thảo luận nhiều ý kiến xoay quanh câu chuyện nhận diện hàng giả, làm thế nào để ngăn chặn sự phát triển của hàng giả, và công cuộc bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Nhiều doanh nghiệp, đại biểu tham dự cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm và đặt câu hỏi cho các chuyên gia.  

Đưa ra ý kiến tại hội thảo, ông Trương Văn Ba – Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: “Công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, rất phức tạp. Các đối tượng ngày càng tinh vi, thậm chí còn manh động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh buôn bán hàng giả. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn và cần sự quyết tâm cao của tất cả các cơ quan liên quan.

Từ nay cho đến tết nguyên đán thì Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã xây dựng những kế hoạch cụ thể để tăng cường phòng chống hàng giả. Tuy nhiên, để ngăn chặn được tình trạng hàng giả cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức và sự đồng hành của các đơn vị truyền thông, doanh nghiệp và đặc biệt là chính những người tiêu dùng.

Chúng ta hãy nói không với hàng giả, những người doanh ngiệp chúng ta cũng hãy tự biết bảo vệ mình và hãy làm tốt sản phẩm của mình để có sự cạnh tranh cao hơn, chất lượng tốt hơn, giá cả tốt hơn. Với báo chí cần tăng cường tuyên truyền, đưa tin đến người dân một cách kịp thời. Ngoài việc phản ánh những mặt tiêu cực chúng ta cũng nên nêu gương người tốt việc tốt, những doanh nghiêp chân chính”.

Để tăng cường nâng cao hiệu quả trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ông Thân Đức Công- đại diện Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) đưa ra 6 giải pháp cụ thể như: 

  1. Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phải nắm rõ thông tin, nắm rõ địa bàn để xác định được phương án và xây dựng những kế hoạch kiểm tra chuyên đề. Làm sao phát hiện sớm nhất và ngăn chặn kịp thời những hành vi sản xuất và kinh doanh hàng giả.

  2. Phải phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông như: Báo chí, hiệp hội và cả những doanh nghiệp, người dân để tuyên truyền. Bên cạnh đó, chúng ta cần có sự phối hợp để phát hiện, kiểm tra kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đối với việc sản xuất và buôn bán hàng giả.

  3. Kiến nghị các cấp có thẩm quyền kiện toàn, có những chế tài, văn bản vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này mạnh hơn nữa đủ sức răn đe các đối tượng tội phạm này.

  4. Tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng QLTT trong cả nước nói chung. Đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ 4.0 các đối tượng rất tinh vi nên lực lượng QLTT cũng cần được nâng cao nghiệp vụ.

  5. Nắm vững địa bàn, đi sâu đi sát xuống địa bàn, lắng nghe ý kiến của người dân. Lực lượng QLTT phải xây dựng đường dây nóng để lắng nghe ý kiến từ người dân, người tiêu dùng, từ doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và ngăn chặn.

  6. Sự đồng hành của các doanh nghiệp, nếu công cuộc chống hành giả này nếu không có doanh nghiệp đi cùng thì rất khó khăn. Nói đến xâm phạm bản quyền thì người bị hại chính là doanh nghiệp, những người chủ thương hiệu, chủ nhãn hiệu của mình đã được bảo hộ. Trong thực tế, nhiều doang nghiệp chưa thực sự đồng hành, chưa bảo vệ thương hiệu của mình. Chính vì thế, đây cũng là cơ hội để hàng giả xâm nhập vào thị trường.

Bên lề hội thảo còn có hoạt động trưng bày các sản phấm chính hãng của nhiều doanh nghiệp đã và đang có nhiều nỗ lực trong công tác chống hàng giả, tích cực đồng hành, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức xã hội nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Các sản phẩm có dấu hiệu bị làm giả cũng được đưa ra so sánh với hàng chính hãng để khuyến cáo đến cộng đồng, người tiêu dùng, gíup tự bảo vệ mình trước các thủ đoạn sao chép, làm giả tinh vi của các đối tượng vi phạm.

Hải Nam - Sao Hôm