Đồng tiền peso của Argentina tại Buenos Aires.
Đồng tiền peso của Argentina tại Buenos Aires.

INDEC cho biết, đà tăng lạm phát trong tháng vừa qua đã có dấu hiệu chững lại nhất định so với mức tăng 20,6% trong tháng trước đó và mức 25,5% trong tháng 12/2023. Tuy nhiên, lạm phát tại Argentina vẫn ở mức rất cao, tăng 276% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 2/2024, nhóm mặt hàng có mức tăng giá tiêu dùng cao nhất là thông tin liên lạc (tăng 24,7%), giao thông vận tải (tăng 21,6%) và thực phẩm (tăng 20,2%).

Trong phiên họp báo thường kỳ, người phát ngôn Phủ Tổng thống Argentina Manuel Adorni nhấn mạnh đà tăng lạm phát có xu hướng giảm tốc là kết quả từ nỗ lực của chính quyền trong việc thực thi kỷ luật tài khóa nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, bản thân Tổng thống Argentina Javier Milei cũng như các công ty tư vấn tài chính cho rằng giá cả sẽ “tăng nóng” trở lại trong tháng 3/2024, do giá các mặt hàng năng lượng, giáo dục và dịch vụ y tế được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.

Phát biểu trên kênh truyền hình LN+, Tổng thống Milei thừa nhận tình hình kinh tế trong tháng này sẽ trở nên phức tạp hơn do các chỉ số ban đầu cho thấy doanh số bán hàng và hoạt động sản xuất có xu hướng sụt giảm. Tuy vậy, nhà lãnh đạo này đề cập đến khả năng “lạm phát sẽ giảm mạnh trong tháng Tư”.

Theo INDEC, giá trị của Giỏ hàng hóa cơ bản (CBT) trong tháng 2/2024 đã tăng 290,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị của Giỏ thực phẩm cơ bản (CBA) - một thước đo cho tỷ lệ nghèo đói của các hộ gia đình Argentina - đã tăng tới 301,1%. Hai chỉ số này đều ở mức cao hơn so với tỷ lệ lạm phát, khiến các chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại về tác động của giá cả lên đời sống của người dân.

Trước tình trạng này, Bộ Kinh tế Argentina trong ngày 12/3 đã ra quyết định “mở cửa” đối với hoạt động nhập khẩu một số mặt hàng nằm trong CBT nhằm “cải thiện tính cạnh tranh và hỗ trợ quá trình ngăn chặn đà tăng giá đối với các sản phẩm cơ bản”.

Các doanh nghiệp sẽ được hưởng một số ưu đãi về thời hạn thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng, đồng thời được miễn giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập bổ sung trong 120 ngày đối với hoạt động nhập khẩu các sản phẩm bao gồm chuối, khoai tây, thịt lợn, cà phê, cá ngừ, ca cao, thuốc trừ sâu, dầu gội, và tã lót. Giá của các mặt hàng này tại Argentina hiện cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thị trường quốc tế.

Hà Trần (t/h)