Ngày 26/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Đức, bắt đầu chuyến công du kéo dài 3 ngày nhằm khẳng định mối quan hệ vững chắc giữa hai cường quốc hàng đầu của Liên minh Châu Âu (EU).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và người đồng cấp nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier tại Berlin, Đức, ngày 26/5. (Nguồn: AP)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và người đồng cấp nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier tại Berlin, Đức, ngày 26/5. Nguồn AP.

Theo kế hoạch, hai nhà lãnh đạo sẽ tới thành phố Dresden, ở Đông Đức, nơi ông Macron có bài phát biểu vào ngày 27/5, trước khi lên đường tới Muenster, ở miền Tây vào ngày tiếp theo. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Đức kỷ niệm 75 năm Hiến pháp hậu Thế chiến thứ hai.

Trước khi kết thúc chuyến thăm, chiều 28/5, ông Macron sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại một nhà khách của chính phủ ở ngoại ô Berlin. Tại đây, hai bên sẽ cùng tìm ra điểm chung về hai vấn đề chính mà họ phải đi đến thống nhất, đó là năng lực quốc phòng và khả năng cạnh tranh.

Mặc dù Tổng thống Macron thường xuyên tới Berlin song chuyến công du lần này của ông tới thủ đô Berlin được cho là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ Pháp tới Đức trong 24 năm kể từ khi cựu Tổng thống Jacques Chirac đến Đức vào năm 2000.

Chuyến thăm dự kiến diễn ra vào tháng 7/2023, song đã phải hoãn vào phút chót do biểu tình bạo lực xảy ra thời điểm đó.

Chuyến công du kéo dài 3 ngày này được cho là cơ hội thể hiện khả năng của “cặp đôi lãnh đạo then chốt” Đức-Pháp tại EU, trong việc thiết lập chương trình nghị sự của khối 10 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện căng thẳng.

Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất EU, từ lâu đã được coi là động lực của hội nhập Châu Âu mặc dù giữa hai nước thường có những khác biệt về chính sách và một số vấn đề.

Cụ thể, Tổng thống Macron và Thủ tướng Đức Scholz có phong cách lãnh đạo rất khác nhau và đã công khai xung đột về các vấn đề từ quốc phòng đến năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, gần đây, hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa hiệp trên nhiều lĩnh vực, từ cải cách tài chính đến trợ cấp thị trường, cho phép EU đạt được các thỏa thuận và thể hiện một mặt trận đoàn kết hơn.

Ông Yann Wernert tại Viện Jacques Delors ở Berlin nhận định: “Có những căng thẳng trong mối quan hệ Đức-Pháp, nhưng cái chính ở đây là họ đã giải quyết một số thách thức khó khăn”.

Giám đốc điều hành khu vực Châu Âu tại tổ chức tư vấn Eurasia Group Mujtaba Rahman cho biết, chuyến thăm là một nỗ lực ở cấp độ chính trị cao nhất để chứng minh rằng, mối quan hệ đang tiến triển. Tuy nhiên, ông Rahman vẫn cho rằng còn những khoảng trống cơ bản về những vấn đề lớn đang rình rập EU.

Theo baoquocte.vn