Ngày 16/11, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Lào Cai, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương dự và chỉ đạo hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Đại sứ quán Australia, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam; 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ và Nghệ An, Thanh Hóa qua các điểm cầu truyền hình trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh vị trí, vai trò, tiềm năng và thế mạnh của các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, với đất đai rộng lớn, nhiều rừng và khoáng sản, giàu bản sắc văn hóa và cảnh quan du lịch. Tuy nhiên, các tỉnh này còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, hạ tầng, giao thông, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Đồng chí đề nghị hội thảo phân tích sâu, khoa học về tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi, khó khăn và đề xuất định hướng, giải pháp liên kết phát triển vùng, nhất là về cơ chế, chính sách, mô hình phát triển, xây dựng bộ máy hành chính, đào tạo nguồn nhân lực.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu làm rõ hơn lợi thế, tiềm năng của các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vấn đề là làm thế nào để khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng và lợi thế đó, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng của đất nước. Đồng chí gợi mở 5 nội dung và đề nghị các đại biểu bộ, ngành, địa phương phân tích làm rõ giải pháp về tiềm năng, lợi thế và định hướng, đề xuất của các địa phương về liên kết phát triển kinh tế vùng hiệu quả, bền vững.

Từ các định hướng, gợi mở trên, các đại biểu tại hội thảo đã tham luận, trả lời bàn tròn, nêu ý kiến về liên kết vùng, về chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư hạ tầng, giao thông sản xuất hàng hóa chất lượng cao của địa phương và liên kết vùng.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) cam kết đồng hành, hỗ trợ vốn, để tập trung phát triển hệ thống giao thông, nhất là mở rộng kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với các tỉnh miền núi phía bắc như: Tuyên Quang, Lai Châu, Hà Giang…; phát triển đô thị dọc hành lang kinh tế Bắc - Nam; phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định tiềm năng, lợi thế, vị trí của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, bao gồm 14 tỉnh và 21 huyện phía tây của Thanh Hóa và Nghệ An, là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.

Đồng chí nhấn mạnh 8 nội dung đã thống nhất tại hội thảo, đó là: Khẳng định liên kết các địa phương, liên kết vùng là xu hướng tất yếu để tăng trưởng nhanh và bền vững, trong đó tập trung vào các lĩnh vực then chốt như: Quy hoạch, xây dựng hạ tầng, phát triển giao thông, kinh tế cửa khẩu, nông lâm nghiệp, đào tạo nhân lực, du lịch, xây dựng các dự án mang tính lan tỏa mạnh cả vùng.

Định hướng liên kết phát triển vùng phải xuất phát từ thực tế, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, là công cụ để quản lý vùng và quốc gia. Nguồn đầu tư của Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, mở đường, kích thích cho các địa phương và toàn vùng phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách quản lý vùng để nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các địa phương trong liên kết, phát triển vùng. Trung ương cần bổ sung, hoàn thiện, xây dựng Nghị quyết mới về liên kết, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ tầm nhìn đến năm 2030 - 2045.

Hoan Nguyễn