Một trong những điểm đang gây tranh luận nhiều nhất đó là quy định hạn chế giao dịch với nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, tại Khoản 2 điều 1 dự thảo luật sửa đổi quy định, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp không được đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ nếu không đáp ứng được các điều kiện: tham gia đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất, danh mục chứng khoán tối thiểu 2 tỷ đồng và có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.

Theo nhận định của các chuyên gia, quy định này là quá chặt chẽ, khiến nhiều nhà đầu tư khó có thể đáp ứng được để tham gia thị trường. Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi phân tích, các quy định trên nhằm tạo ra “hàng rào” bảo vệ nhà đầu tư không chuyên trước các rủi ro lớn từ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDN). Tuy nhiên, việc đặt ra những yêu cầu quá cao có thể tạo ra sự phân biệt giữa các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ. 

Ông Huy lấy ví dụ, yêu cầu nhà đầu tư phải có thu nhập 1 tỷ/năm trong khi thu nhập bình quân của người dân Việt Nam trong năm 2023 là 4.284 USD/người, có thể thấy ngay quy định này khiến nhiều người dân không thể tiếp cận cơ hội đầu tư TPDN. Từ đó sẽ thu hẹp đáng kể nhóm nhà đầu tư cá nhân, chỉ để lại những người có kinh nghiệm và thu nhập cao. 

"Điều này có thể giảm sức hấp dẫn của thị trường TPDN, làm mất đi một lượng lớn nhà đầu tư tiềm năng, từ đó ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường. Ngoài ra, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường đóng vai trò làm tăng tính đa dạng và phân tán rủi ro trên thị trường, việc giới hạn họ có thể làm thị trường trở nên phụ thuộc hơn vào các nhà đầu tư lớn hoặc tổ chức", ông Huy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Huy, quy định này sẽ làm giảm tính thanh khoản của thị trường TPDN riêng lẻ, vốn đã có đặc thù thanh khoản thấp hơn so với trái phiếu công ty đại chúng. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn qua kênh này. 

Đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, theo ông Huy, họ thường mong muốn tìm kiếm những kênh đầu tư có lợi suất cao hơn ngân hàng và TPDN riêng lẻ là một lựa chọn phổ biến. Nhưng với quy định mới, khả năng tham gia của họ bị hạn chế nghiêm trọng, dẫn đến việc mất đi một cơ hội đầu tư có khả năng sinh lợi cao hơn. Điều này cũng có thể đẩy họ vào các kênh đầu tư không chính thức hoặc có rủi ro cao hơn khi thiếu sự bảo vệ từ quy định pháp luật.

Cũng theo ông Huy, tính chất đặc thù của TPDN luôn đi kèm mức độ rủi ro nhất định. Việc đòi hỏi nhà đầu tư có kinh nghiệm và thu nhập tối thiểu là hợp lý về mặt bảo vệ nhà đầu tư, nhưng cũng nên có những biện pháp kiểm soát linh hoạt hơn, thay vì tạo ra các quy định quá cứng nhắc.

"Thay vì áp đặt các tiêu chí quá cao, việc yêu cầu nhà đầu tư cá nhân phải tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc thông qua các bài kiểm tra đánh giá kiến thức đầu tư có thể là một giải pháp thay thế hợp lý. Việc học, kiểm tra cấp chứng nhận cần được thực thực hiện bởi cơ quan đào tạo uy tín của Nhà nước, từ đó sẽ giúp nhà đầu tư nâng cấp năng lực và tự quản trị tốt rủi ro khi tham gia vào thị trường trái phiếu . Như vậy, nhà đầu tư vẫn có thể tự do tham gia thị trường nếu họ đã có hiểu biết rõ ràng về rủi ro", ông Huy đề xuất.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, các quy định mới quá chi tiết, siết chặt đối tượng giao dịch sẽ khiến thị trường TPDN vốn đã khó khăn dễ bị tắc nghẽn.

Theo ông Thịnh, không nhất thiết phải quy định thêm điều kiện giao dịch chứng khoán tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất hay như thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất. Quy định như vậy sẽ hạn chế một lượng lớn các nhà đầu tư tham gia vào thị trường TPDN, thị trường mất đi một lượng lớn nguồn vốn.

Lãnh đạo một doanh nghiệp tại Hà Nội cũng cho rằng, các quy định này có thể sẽ tạo ra nguy cơ khóa chặt kênh huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ khiến nhà đầu tư chuyển sang các hình thức khác chưa có quy định chặt chẽ như kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vay vốn, hoặc các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với tổ chức.

Đồng thời, quy định này sẽ khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh thiếu vốn, không thể triển khai dự án mới.

Bên cạnh bổ sung thêm điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự thảo sửa đổi luật Chứng khoán cũng yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, quy định yêu cầu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh ngân hàng là một biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ nhà đầu tư trước các rủi ro phá sản hoặc không có khả năng thanh toán từ phía doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều kiện này là rất khó khăn để đáp ứng.

Lý do là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có tài sản lớn hoặc quan hệ tín dụng đủ mạnh với các ngân hàng để dễ dàng có được bảo lãnh phát hành. Điều này có thể dẫn đến việc họ không còn lựa chọn huy động vốn qua kênh trái phiếu riêng lẻ, làm giảm tính đa dạng của thị trường TPDN. 

Bên cạnh đó, thị trường vốn, đặc biệt là trái phiếu, sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các doanh nghiệp lớn và tổ chức tín dụng. Điều này có thể làm mất đi cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư muốn tham gia vào các dự án tiềm năng nhưng rủi ro cao hơn, như các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc đổi mới sáng tạo. Kết quả là thị trường có thể bị co cụm, kém sôi động hơn và mất đi cơ hội phát triển các doanh nghiệp năng động.

"Mặc dù các quy định mới trong dự thảo sửa đổi luật Chứng khoán có ý định bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao tính an toàn của thị trường, nhưng chúng cần được cân nhắc và điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế của thị trường tài chính Việt Nam. 

Việc cân bằng giữa an toàn và tính linh hoạt trong đầu tư là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Kênh đầu tư nào cũng luôn song hành giữa lợi nhuận kỳ vọng và khả năng quảng trị rủi ro, chỉ khi nhà đầu tư chủ động hay được cơ quan Nhà nước trang bị những kỹ năng, kiến thức tối thiểu để giúp nâng cao được hiểu biết, năng lực đầu tư và kiểm soát rủi ro thì khi đó thị trường mới phát triển bền vững, có thể tăng trưởng cả về quy mô và chiều sâu chất lượng", ông Huy nêu quan điểm.

Thu Trang(t/h)