Dự án nạo vét thông luồng sông Cái Vừng giáp ranh giữa huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) và huyện Phú Tân (An Giang) được UBND tỉnh An Giang giao cho huyện Phú Tân làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài toàn tuyến hơn 20km và thời gian thi công từ đầu năm 2013 đến hết năm 2014.
Sau đó, UBND huyện Phú Tân đã chỉ định thầu cho năm đơn vị thực hiện công việc nạo vét kết hợp với thu hồi khoáng sản (cát sông). Các đơn vị thi công phải tuân thủ các qui định về cắm biển báo, phao giới hạn đúng với phê duyệt chiều rộng luồng (đáy) 30m, cao trình nạo vét (chiều sâu) - 9m, khoảng cách từ khu vực nạo vét đến hai bờ trung bình là 40m.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai nạo vét một đoạn dài khoảng 300m (từ bến đò số 8 đến bến đò số 9 thuộc xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự thì nhiều nguời dân sinh sống hai bên bờ sông của 2 tỉnh, trong đó có người dân ngụ xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự phản ứng vì thấy đơn vị nạo vét đưa phương tiện tiến quá gần bờ, gây sụt lún dãy đất bùn cặp bờ sông Cái Vừng.
Cùng với đó, theo phản ánh của người dân các đơn vị thi công nngoài việc bố trí phương tiện nạo vét không đúng qui định và nạo vét độ sâu quá mức, còn có hiện tượng “bỏ bùn lấy cát” và hút cát “tận diệt” của các phương tiện thi công tại công trình vì theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, công suất nạo vét chỉ 6.036m3/ngày và trữ lượng nạo vét ở mức 3.501.070m3 nhưng trong quyết định của UBND tỉnh An Giang thì trữ lượng nạo vét lên đến 4.798.201m3, dẫn đến tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng một số điểm sạt lở cục bộ làm mất đất, mất nhà dân và đường giao thông. Điều này buộc địa phương phải khắc phục bằng các giải pháp công trình, hỗ trợ di dời, tái định cư cho người dân và bố trí kinh phí xây dựng kè chống sạt lở.
UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị không triển khai nạo vét sông Cái Vừng qua Đồng Tháp - An Giang. Trong ảnh là một công trình nạo vét luồng sông. Ảnh minh họa: Trung Chánh
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị không triển khai dự án nạo vét thông luồng sông Cái Vừng ở giai đoạn kéo dài, qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và An Giang.
Theo công văn số 353/UBND-KTN về việc đề nghị không thực hiện dự án “Nạo vét thông luồng sông Cái Vừng (giai đoạn kéo dài)” do ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký, ngày 11-5-2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định số 1488/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án “Nạo vét thông luồng sông Cái Vừng (giai đoạn kéo dài).
Nguyên nhân được xác định do sông Cái Vừng là sông cong, uống lượn, rất nhạy cảm trong vấn đề sạt lở. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện dự án nạo vét với cao trình âm 9 mét làm cho sạt lở diễn ra nhanh và nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết theo phân cấp quản lý, sông Cái Vừng là sông cấp III, tức cao trình nạo vét (theo quy định) trung bình chỉ từ (âm) lớn hơn 2,8 đến 3,5 mét và bề rộng chỉ từ lớn hơn 50 đến 65 mét.
Trong khi đó, như nêu ở trên, trong giai đoạn kéo dài của dự án này, ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nạo vét với cao trình âm đến 9 mét và bề rộng từ 35 đến 160 mét.
“Nếu tiếp tục thực hiện dự án theo phê duyệt ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường, không giảm phạm vị nạo vét, cao trình mà mở rộng nạo vét toàn tuyến và nâng chiều rộng nạo vét lên rất nhiều, từ 35-160 mét... sẽ không thể tránh khỏi sạt lở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, công văn nêu trên viết.
Hơn nữa, theo UBND tỉnh Đồng Tháp qua kiểm tra thực tế, tọa độ phạm vi nạo vét theo nội dung ĐTM không trùng với hiện trạng tuyến luồng đường thủy sông Cái Vừng, mà phần lớn nằm trên đất liền.
Cụ thể, phía tỉnh Đồng Tháp có 2 đoạn với tổng chiều dài nằm trên bờ khoảng 14,18 km, có những nơi tim luồng nạo vét cách bờ sông hiện hữu khoảng 890 mét (nằm trên đất ruộng của dân). Phía tỉnh An Giang cũng có 2 đoạn, với tổng chiều dài khoảng 5,39 km, có những nơi tim luồng nạo vét cách bờ sông hiện hữu khoảng 750 mét (nằm trên đất ruộng của dân). “Như vậy, chỉ còn lại đoạn dài khoảng 1,7 km nằm trên sông”, công văn nêu.
Từ những tác động nêu trên trong thực hiện dự án ở giai đoạn đầu, nếu tiếp tục thực hiện với cao trình âm 9 mét và bề rộng từ 35 đến 160 mét là vượt xa nhu cầu về kích thước đường thủy nội địa đối với tuyến đường cấp III, gây ra sạt lở nghiêm trọng hơn.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Bộ Tài nguyên và Môi trường không triển khai thực hiện dự án này ở giai đoạn kéo dài.
Hải Đăng