Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Mở “ hầu bao”, góp phần giảm tai nạn lao động

Quỹ bảo hiểm

Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động dư tới 16.000 tỷ đồng. Thế nhưng, mỗi năm có tới 700 người tử vong do tai nạn lao động và không phải ai cũng được hưởng chế độ, vì họ chỉ là lao động tự do, không tham gia bảo hiểm. Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động đang bàn thảo liệu có giải quyết được vấn đề này?

Ảnh minh họa

60% số lao động khó tiếp cận

Cách đây hai năm, bà Vũ Thị Nga ( huyện Vũ Thư, Thái Bình) gặp tai nạn lao động (TNLĐ) khi sử dụng máy tuối lúa, mất một bàn tay. Thời điểm xảy ra tai nạn, bà là lao động (LĐ) làm thuê thời vụ với mức lương được nhận là 70 nghìn đồng/ngày. Do chủ thuê là chỗ thân quen trong xã nên cứ đến mùa vụ bà Nga lại đến làm và hoàn toàn không có giao kèo, hợp đồng chứ nói gì đến bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ). Chính vì thế, toàn bộ chi phí điều trị tại BV Việt Đức ( Hà Nội) gia đình bà Nga phải chi trả. Là LĐ chính trong nhà, nhưng nay sức khỏe suy giảm, nên cuộc sống của bà Nga và gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng hoàn cảnh tương tự,  ông Lê Văn Năm ( huyện Hoàng Hóa, Thanh Hóa) là LĐ tự do, làm thợ nề, không may bị ngã trong một lần rơi giàn giáo. Dù phải vay mượn tiền để chạy chữa nhưng đến nay, ông Năm phải chịu thương tật suốt đời ở chân. Ông cho biết: “ Khi nằm viện, gia đình có nhận được hỗ trợ thuốc men từ phía chủ nhà, nhưng sau đó thì thôi. Nếu biết có BHTNLĐ để tham gia, gia đình tôi sẽ đỡ khổ!”.

Không chỉ những trường hợp như bà Nga, ông Năm mà nhiều người LĐ tự do hiện nay không biết đến ngoại hình BHTNLĐ. Thậm chí, với cả LĐ khu vực chính thức, khi bị TNLĐ cũng khó được hưởng chế độ do các ông chủ thường giấu “ nhẹm” đi.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2013, cả nước xảy ra 6.695 vụ TNLĐ, làm chết 627 người và 6.260 người bị thương. Thiệt hại về vật chất do TNLĐ ( chi phí tiền thuốc, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết, người bị thương…) năm 2013 là 71,85 tỷ đồng. Thế nhưng, mãi đến cuối năm 2013 lại chỉ có 175 biên bản điều tra các vụ việc TNLĐ chết người.

Điều đáng nói, hành lang pháp lý liên quan vấn đề an toàn lao động khá đầy đủ. Bộ luật Lao động năm 2012 đã có quy định, tất cả các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN)…đều phải thực hiện và tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Quỹ BHTNLĐ, bệnh nghề nghiệp cũng không phải là mới. Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2006, về chính sách tai nạn, bảo hiểm nghề nghiệp, người sử dụng LĐ phải đóng 1% quỹ tiền lương cho NLĐ vào quỹ này và quỹ này do BHXH Việt Nam quản lý, điều hành. Thế nhưng, khi các chính sách đi vào cuộc sống, lại không như mong đợi.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 53 triệu LĐ, trong đó có tới 36 triệu LĐ không có hợp đồng lao động ( chiếm 60%). Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH ( BHXH Việt Nam) cho biết: “ với khu vực LĐ chính thức, đã có chủ sử dụng đóng BHTNLĐ. Nhưng với khu vực LĐ tự do, làm sao xác định được chủ để đóng tiền bảo hiểm cho họ. Điều này đồng nghĩa họ không được tham gia đóng BHTNLĐ”. Trong khi, số đông NLĐ ở nhóm này lại đang làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ, nhưng Quỹ BHTNLĐ chỉ sử dụng hết 10-11%, còn tồn dư khoảng hơn 16.200 tỷ đồng.

Bộ Trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, Quỹ BHTNLĐ chưa bao quát hết được số lượng NLĐ bị tai nạn. Có nhiều lý do, nhưng căn bản nhất là khi xảy ra tai nạn, theo quy định, các chủ sử dụng LĐ là người phải khai báo nhưng họ lại thường không thực hiện nghĩa vụ này với cơ quan chức năng,dẫn tới NLĐ bị thiệt thòi. Qua khảo sát thì thấy rằng các chính sách liên quan hiện nay chưa phù hợp. Chẳng hạn, mức chi BHTNLĐ còn thấp, chưa bao quát được hết đối tượng thụ hưởng, trong quá trình triển khai, thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn cho DN và NLĐ nên họ thường tự giải quyết.

Mở rộng đối tượng

Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII với hy vọng sẽ khắc phục được những bất cập nêu trên. Điểm đáng lưu ý tại Dự thảo này là NLĐ ở khu vực phi chính thức cũng sẽ được tham gia quỹ BHTNLĐ.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH cho rằng: “ Tinh thần của Hiến pháp là NLĐ phải được làm việc trong môi trường an toàn. Do đó, cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ, làm tốt công tác tuyên truyền để tất cả những NLĐ đang làm việc không có quan hệ lao động được tham gia Quỹ BHTNLĐ”.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động ( Bộ LĐ- TB&XH) cho biết: “ khi đặt vấn đề xây dựng Luật ATVSLĐ, đối tượng không có hợp đồng lao động nhất thiết phải được quan tâm vì họ cũng là những NLĐ, cũng là những người tham gia sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho đất nước, xây dựng xã hội, nên phải mở rộng ra đối tượng này. Bên cạnh đó, LĐ tự do là đối tượng khó khăn, cần tính toán để có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Nếu được nhà nước hỗ trợ, NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BHTNLĐ, thì khi xảy ra tai nạn họ mới được thụ hưởng chính sách”.

Dự kiến, đối với NLĐ có hợp đồng lao động thi chủ DN phải lo đóng Quỹ BHTNLĐ, bảo hiểm nghề nghiệp bằng 1% quỹ lương và lo trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, lo cải thiện điều kiện làm việc, trang bị bảo hộ… Đối với NLĐ tự tạo việc làm thì không có người sử dụng LĐ, vì vậy Nhà nước có thể sẽ phải hỗ trợ một phần và NLĐ phải chịu một phần các chi phí bảo đảm ATVSLĐ.

Trong Dự thảo luật quy định, tùy theo tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ sẽ quy định việc hỗ trợ cho NLĐ không có hợp đồng lao động cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với NLĐ tự do, dự kiến, cứ một triệu người tham gia vào quỹ này thì nếu Nhà nước bù đóng 50% thì sẽ bù khoảng 700 tỷ đồng/năm.

Ông Thắng cũng đề cao vai trò của công tác tuyên truyền để NLĐ thấy được lợi ích từ việc tham gia Quỹ BHTNLĐ không có hợp đồng cần hiểu được khi xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nếu được Nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm, họ sẽ được hưởng các chế độ, chính sách như NLĐ trong khối có quan hệ lao động.

Giải quyết quỹ kết dư

Tại Dự thảo Luật ATVSLĐ, Ban Soạn thảo đã đề xuất với Ủy ban Thường vụ QH chuyển toàn bộ 20 điều và chính sách chế độ BHTNLĐ, bệnh nghề nghiệp từ Luật BHXH năm 2006 sang Luật ATVSLĐ. Cơ quan BHXH Việt Nam sẽ vẫn là cơ quan quản lý và chi trả quỹ này, nên sẽ không phát sinh bộ máy, Luật ATVSLĐ chỉ hướng dẫn về mặt chính sách. Bên cạnh đó, việc giải quyết quỹ BHTNLĐ kết dư theo hướng tăng thêm các chính sách hỗ trợ NLĐ cũng  là vấn đề được dư luận quan tâm.

Ông Hà Tất Thắng cho biết, Ban Soạn thảo đã đề xuất thêm hai điều chi bổ sung của Quỹ BHTNLĐ.

Thứ nhất, chi cho đối tượng người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp không còn khả năng làm việc muốn chuyển đổi nghề nghiệp 50% học phí để họ học nghề và chuyển sang nghề mới phù hợp hơn, giúp họ tái hòa nhập cuộc sống, bảo đảm quyền lợi.

Thứ hai, quỹ trước đây chỉ gải quyết hậu quả và thường là chi trả trợ cấp thì giờ chuyển sang tích cực hơn là phòng ngừa, tập chung vào công tác tuyên truyền, huấn luyện cho NLĐ vào được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp kịp thời.

Quy định này xuất phát từ thực tế, hiện nay, việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp rất ít. Nguyên nhân là do NLĐ không muốn phát sinh thêm chi phí và khả năng khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp của các cơ sở y tế còn rất hạn chế. Chỉ có 14/29 bệnh nghề nghiệp được khám, còn nhiều bệnh mà Việt Nam chưa thể khám và phát hiện. Vì vậy, cần phải có hỗ trợ về khám và điều trị bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Bên cạnh việc hỗ trợ NLĐ khu vực phi chính thức, một điểm mới khác còn gây tranh cãi giữa các chuyên gia là nếu dự thảo luật này được thông qua sẽ phát sinh thêm khoảng 1.000 biên chế trong bộ máy nhà nước cho các thanh tra làm công tác ATVSLĐ, trong khi nhà nước đang muốn giảm bớt biên chế.

Về vấn đề này, theo ông Hà Tất Thắng, số DN trên cả nước hiện có khoảng 700.000 trong khi số lượng thanh tra làm công tác ATVSLĐ chỉ có khoảng 150 người, trong đó, có những tỉnh không có cán bộ, kỹ sư làm công tác thanh tra ATVSLĐ, nên tỷ lệ thanh tra DN chỉ đạt khoảng 0,22%. Vì vậy, khi luật điều chỉnh thêm đối tượng là LĐ khu vực phi chính thức, phải có thêm nhiều thanh tra chuyên ngành.

Theo Thời nay

Tin mới

Chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh vào Lớp 10 năm học 2024- 2025 trên địa bàn TP. Hải Phòng
Chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh vào Lớp 10 năm học 2024- 2025 trên địa bàn TP. Hải Phòng

UBND TP. Hải Phòng vừa đồng ý chủ trương giao chỉ tiêu tuyển sinh vào Lớp 10, năm học 2024- 2025 đối với các Trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ninh Thuận bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp Lễ 30/4 và 1/5
Ninh Thuận bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp Lễ 30/4 và 1/5

UBND tỉnh Ninh Thuận có Công văn gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố yêu cầu tăng cường công tác kiểm soát các nguồn thải và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trước, trong và sau dịp Lễ 30/4 và 1/5...

Kiểm soát xuất khẩu đối với dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc
Kiểm soát xuất khẩu đối với dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Lào Cai xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế mở rộng năm 2024
Lào Cai xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế mở rộng năm 2024

Chiều 27/4, tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai)đã diễn ra Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch quốc tế mở rộng nhằm kết nối, trao đổi kinh nghiệm, liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Lào Cai với các địa phương của vùng Tây Nam (Trung Quốc) và các thành phố Du lịch của các nước Đông Nam Á.

Xác lập kỷ lục "Chả mực lớn nhất Việt Nam"
Xác lập kỷ lục "Chả mực lớn nhất Việt Nam"

Chiều 27/4, tại khu vực phố cổ Công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long tổ chức chương trình Lễ hội bia và chả mực Hạ Long 2024, xác lập kỷ lục "Chả mực lớn nhất Việt Nam".

Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu
Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu

Lực lượng QLTT Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về nhãn và không niêm yết giá. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 117.000.000 đồng.