Bộ trưởng Phát triển đường bộ và giao thông Mông Cổ Sandag Byambatsogt cho biết, quốc gia không giáp biển này đang nghiên cứu tính khả thi của kế hoạch xây dựng cảng trên cạn phục vụ vận chuyển hàng hoá. Ông cũng cho biết, Ngân hàng Thế giới và Ủy ban Kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang làm việc với Mông Cổ.
“Tôi tin tưởng rằng những sáng kiến này sẽ dẫn đến việc mở rộng hành lang kinh tế Mông Cổ - Nga - Trung Quốc, giúp tăng khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu… đồng thời giảm chi phí vận chuyển và hàng hóa”, ông Byambatsogt cho biết.
Ít nhất một cảng thuộc khu kinh tế tự do Zamyn-Uud ở phía đông nam Mông Cổ, giáp biên giới Trung Quốc, được đưa vào kế hoạch. Và ít nhất một cảng thuộc khu vực thương mại tự do Altanbulag phía bắc sẽ đặt gần cửa khẩu với Nga.
Xu Tienchen, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc của hãng tư vấn kinh tế The Economist Intelligence Unit ở Bắc Kinh, cho rằng Mông Cổ cần các cảng trên cạn mới vì cơ sở vận tải và hàng hóa hiện có của nước này không thể xử lý tình trạng hàng hoá tăng đột biến.
Hàng hoá gia tăng sau khi có những cải tiến hạ tầng khác, như việc hoàn thành con đường nối mỏ than khổng lồ Tavan Tolgoi với biên giới Trung Quốc và việc cho phép vận chuyển hàng hoá liên tục qua biên giới từ tháng 6.
“Cần tận dụng vị trí địa lý chiến lược của Mông Cổ như một tuyến đường ngắn nhất nối châu Á và châu Âu, sự tham gia của Mông Cổ vào hành lang này là rất quan trọng”, Bộ trưởng Byambatsogt cho biết.
Đất nước chỉ có 3,4 triệu dân dựa vào nhiều khoản đầu tư từ Trung Quốc, còn Trung Quốc coi Mông Cổ là điểm kết nối thương mại với Trung Á.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, thương mại Trung Quốc-Mông Cổ đạt 12,2 tỷ USD năm 2022, tăng so với 9,1 tỷ USD của năm trước. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, khoáng sản chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu của Mông Cổ sang Trung Quốc.
Bộ trưởng Byambatsogt dự đoán thương mại Trung Quốc-Mông Cổ sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD mỗi năm trong “tương lai gần”.
Cũng theo quan chức này, Chính phủ Mông Cổ đang lên kế hoạch thực hiện 6 dự án đường bộ mới để nâng cao năng lực xuất khẩu.
Một phần mạng lưới đó sẽ hỗ trợ Hành lang kinh tế Mông Cổ-Nga-Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại giữa ba quốc gia, đồng thời cải thiện khả năng kết nối của Mông Cổ qua đường bộ với châu Âu và với các nước châu Á có cảng biển.
Hà Trần(t/h)