Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa có quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể về chế độ thanh toán cho giao dịch mua bán qua sở giao dịch nước ngoài. Vì thế, các DN khi chuyển tiền qua ngân hàng thương mại (NTTM) cổ phần đều bị tắc trong thanh toán và chuyển tiền.


Tính từ năm 2004 đến hết năm 2012, hoạt động giao dịch phái sinh của các NHTM, tổng giá trị giao dịch các sản phẩm như cà phê, nhiên liệu máy bay, cao su... có giá trị hợp đồng lên đến trên 23 tỷ USD.

Cơ chế thanh toán phức tạp

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Công ty Kinh doanh và đầu tư Vàng Việt Nam (VGB) cho biết, khó khăn lớn nhất trong giao dịch hàng hóa nước ngoài đó là chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài. Nếu cơ chế kiểm soát chặt hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài chưa gỡ được thì rất khó cho các thương nhân, kể cả các tổ chức tín dụng giao dịch. Mặc dù, tổ chức tín dụng được phép tự do chu chuyển vốn, nhưng việc mở tài khoản ở nước ngoài cũng bị kiểm soát chặt.

Hiện có một kênh chính thức là chuyển tiền qua NHTM cổ phần, thực hiện ở 2 loại giao dịch là giao dịch vãng lai và giao dịch vốn. Giao dịch vãng lai chỉ cho phép tự do hóa các giao dịch liên quan đến xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý nào về thanh toán này nên việc chuyển tiền ký quỹ gặp không ít khó khăn.

Ông Hải đề xuất thành lập Sở Giao dịch hàng hóa chuẩn trong nước, liên kết hoặc làm đại lý cho các sàn hàng hóa lớn quốc tế để điều tiết các hoạt động giao dịch. Đây sẽ là đầu mối thực hiện chuyển lệnh ra nước ngoài bằng cách khớp lệnh trong nước trước và đẩy lượng dư mua, dư bán ra nước ngoài.

Ông Hải cũng cho rằng, chính vì chưa có quy định cụ thể nên các DN chuyển tiền thông qua kênh chính thức này đều bị tắc. Bản thân Thông tư về phạm vi, điều kiện đối với thương nhân Việt Nam tham gia vào sở giao dịch hàng hóa nước ngoài không thể giải quyết được điều này.

Ông Trần Duy Phương, Tổng giám đốc Sàn hàng hóa Việt Nam nêu ý kiến, thanh toán giao dịch không khó khăn vì hiện các NH là nhà trung gian, có thể đứng ra đảm nhiệm. Quan trọng là cần phải có thêm thông tư hướng dẫn nhà đầu tư nước ngoài giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, trước khi thương nhân Việt Nam giao dịch tại nước ngoài.

Cần xây dựng hành lang pháp lý mới

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, trong bối cảnh hội nhập với thế giới, cần có những quy định về hành lang pháp lý giúp nhà đầu tư tham gia sàn giao dịch hàng hóa hoạt động tốt hơn, giảm thiểu rủi ro và phát triển bền vững các ngành hàng sản xuất.

NHNN Việt Nam đang cho phép một số NHTM Việt Nam giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường hàng hóa, thông qua các thành viên ở nước ngoài để giao dịch: LIFFE (Anh), TOCOM (Nhật), CME (Mỹ), SMX (Singapore)…

Theo Dự thảo Thông tư “Quy định phạm vi, điều kiện với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa nước ngoài” do Bộ Công Thương chủ trì thì, danh mục hàng hóa tham gia sàn giao dịch nước ngoài trong từng thời kỳ có 3 mặt hàng đang giao dịch qua sàn giao dịch hàng hóa trong nước, gồm: Cà phê, cao su, sắt thép.

Điều kiện để được tham gia sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài là DN phải có vốn pháp định từ 50 tỷ đồng Việt Nam trở lên, có lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến mặt hàng giao dịch mua bán qua sở giao dịch hàng hóa…

Việc xây dựng hành lang pháp lý đối với hoạt động giao dịch hàng hóa nước ngoài là cấp thiết nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu của nước ta.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã đưa ra 3 phương án thực hiện để giải quyết những vướng mắc hiện tại của các thương nhân Việt Nam khi tham gia mua bán trên sở giao dịch hàng hóa nước ngoài. Cụ thể: Tiếp tục xây dựng, ban hành thông tư mới, quy định cụ thể về vấn đề này; Xây dựng, ban hành Luật Giao dịch hàng hóa tương lai, thị trường tài chính phái sinh, sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại, Nghị định 158/2006/NĐ-CP; Thực hiện thí điểm mô hình sàn hàng hóa trong nước. Đây đều là các phương án được đem ra thảo luận, bàn bạc…

Kiều Tuyết