Trước thông tin Việt Nam lần đầu tiên nhập khẩu gạo từ Ấn Độ với hợp đồng 70.000 tấn. Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, điều này là hoàn toàn bình thường trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam vẫn dư thừa lương thực, đủ sức phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chế biến của 100 triệu dân và chủ động cung ứng đủ lượng gạo xuất khẩu.
Việc Việt Nam lần đầu tiên mua gạo từ Ấn Độ không có nghĩa Việt Nam đang thiếu hụt nguồn cung lương thực nên phải nhập khẩu. Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn dư thừa lương thực, đủ sức phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chế biến của 100 triệu dân và chủ động cung ứng đủ lượng gạo xuất khẩu.
Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do thiên tai, nhờ chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng, điều chỉnh lịch thời vụ, năng suất lúa tăng đáng kể nên dù diện tích lúa giảm khoảng 190.000 ha nhưng sản lượng lương thực vẫn đạt 42,8 triệu tấn thóc, trong khi xuất khẩu chỉ 6,1 triệu tấn, trị giá trên 3 tỷ USD, còn lại là phục vụ nhu cầu ăn uống, chế biến trong nước.
Hiện tại, thời vụ sản xuất lúa vẫn diễn biến theo đúng kế hoạch, dự kiến, ngay trong tháng 1/2021 sẽ thu hoạch được 1,2 triệu tấn thóc của vụ đông xuân sớm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cho biết, lần nhập khẩu gạo từ Ấn Độ này chủ yếu là nhập tấm về chế biến bún, bánh, thức ăn gia súc hoặc làm bia.
Nguyên nhân là do giá gạo của Ấn Độ đang thấp hơn so với gạo của Việt Nam cùng loại. Chưa kể, thuế nhập khẩu tấm rất thấp nên các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này từ Ấn Độ về chế biến sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Ngoài lý do về giá và thuế, sở dĩ năm nay các doanh nghiệp Việt nhập tấm từ Ấn Độ còn vì vài năm trở lại đây, nước ta chủ trương giảm diện tích lúa chất lượng trung bình như IR40404, tăng diện tích lúa thơm, lúa chất lượng cao. Do đó, phân khúc gạo cấp thấp, tấm phục vụ chế biến đang thiếu.
Bảo Khánh