Theo Bkav, dịch Covid-19 làm gia tăng tấn công an ninh mạng, do các phần mềm làm việc trực tuyến được tìm kiếm và download rầm rộ để phục vụ nhu cầu làm việc từ xa, tạo môi trường cho kẻ xấu khai thác lỗ hổng, tấn công, đánh cắp thông tin.
![Năm 2020 Việt Nam tổn thất hơn 1 tỷ USD do virus máy tính Năm 2020 Việt Nam tổn thất hơn 1 tỷ USD do virus máy tính](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2021/01/19/madocapt-16110292656201795671577-1611057547.jpg)
Trong năm qua, hàng loạt vụ tấn công mạng quy mô lớn diễn ra trên toàn cầu, điển hình như: vụ việc nhà máy của Foxconn bị tin tặc tấn công, bị đòi 34 triệu USD tiền chuộc dữ liệu; hay 267 triệu thông tin người dùng Facebook được rao bán; Intel bị tin tặc tấn công, gây rò rỉ 20GB dữ liệu bí mật...
Trong lĩnh vực ngân hàng, năm qua, hàng trăm tỷ đồng đã bị hacker chiếm đoạt trong đó chủ yếu là các vụ đánh cắp mã OTP giao dịch của người dùng. Cách thức chính của hacker là lừa người dùng cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại để lấy trộm tin nhắn OTP, thực hiện giao dịch bất hợp pháp.
Trung bình mỗi tháng, hệ thống giám sát virus của Bkav đã phát hiện hơn 15.000 phần mềm gián điệp trên điện thoại di động. Điển hình là vụ việc VN84App, phần mềm thu thập tin nhắn OTP giao dịch ngân hàng lên đến hàng tỷ đồng, đã lây nhiễm hàng nghìn smartphone tại Việt Nam.
Dự báo về tình hình năm 2021, tấn công giao dịch trên điện thoại tiếp tục diễn ra. Lừa đảo trên Facebook có thể gia tăng vì các quy định hạn chế đi lại giữa các quốc gia sẽ kéo theo một nhu cầu lớn về các giao dịch, gửi hàng, gửi tiền qua mạng, nhiều kẻ xấu lợi dụng tình hình này để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Mã độc tàng hình, mã độc mã hóa dữ liệu, phần mềm gián điệp theo dõi người dùng và đánh cắp thông tin sẽ là những loại mã độc hoành hành trong năm 2021.
Linh Tuệ