Chính phủ mới có Báo cáo Quốc hội về tình hình nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023. Theo đó, yêu cầu tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm 2022 đạt khoảng 619.492 tỷ đồng, trong đó vay cho cân đối NSTW 600.046 tỷ đồng, rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để cho vay lại đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chính quyền địa phương ước 19.446 tỷ đồng.
Chính phủ dự kiến vay từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và trong trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành TPCP trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nguồn huy động vốn của Chính phủ chủ yếu từ nguồn vay trong nước 569.976 tỷ đồng (chiếm 92%), chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP); rút vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 49.515 tỷ đồng (chiếm 8%), trong đó cấp phát ngân sách (NSTW) khoảng 30.070 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 19.446 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thu NSTW dự kiến cả năm 2022 vượt dự toán, giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSTW còn chậm, tồn quỹ NSTW đảm bảo đáp ứng các nhu cầu chi của NSTW, Chính phủ sẽ chỉ đạo công tác phát hành TPCP những tháng còn lại năm 2022 phù hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi NSTW năm 2022.
Trong năm 2022, tổng trả nợ của Chính phủ ước khoảng 324.583 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 294.300 tỷ đồng, đạt 98% dự toán, trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước khoảng 30.283 tỷ đồng.
Chính phủ khẳng định, các chỉ tiêu an toàn nợ công đến cuối năm 2022 tiếp tục được kiếm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô.
Theo đó. cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2022 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra. Dư nợ trong nước tăng lên, chiếm 70% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là TPCP có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 13,78 năm tính đến 14/9/2022); nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Đáng chú ý, nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 2022.
Đối với nợ trong nước, đến cuối tháng 9/2022 mặt bằng lãi suất phát hành TPCP trong nước đã tăng đáng kể trên tất cả các kỳ hạn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai nhiều giải pháp điều hành theo hướng thắt chặt chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, nhu cầu vay TPCP rất lớn, tạo áp lực tăng mặt bằng lãi suất phát hành TPCP trong nước.
Năm 2023, Chính phủ dự kiến nhiệm vụ huy động vốn vay ở mức 644.515 tỷ đồng, bao gồm: Vay bù đắp bội chi NSTW 430.500 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của NSTW 190.515 tỷ đồng; vay về cho vay lại 23.500 tỷ đồng. Nguồn huy động kết hợp linh hoạt các công cụ phát hành TPCP, vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và trong trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành TPCP trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Căn cứ nhiệm vụ huy động vốn của Chính phủ năm 2023 và dự kiến nguồn huy động nêu trên, dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 293.405 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 190.515 tỷ đồng và trả nợ lãi khoảng 102.890 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 33.648 tỷ đồng (trả gốc khoảng 25.565 tỷ đồng, trả lãi khoảng 8.083 tỷ đồng).
Nhằm tăng cường quản lý nợ công, Chính phủ đề ra các biện pháp như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nợ công, ngân sách. Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi khuôn khổ pháp lý về NSNN để tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN. Tiếp tục rà soát quy định pháp luật về nợ công, ngân sách và đầu tư công nhằm tiếp tục cải thiện thể chế quản lý nợ công, tiệm cận thông lệ quốc tế.
Nghiên cứu, rà soát sự khác biệt giữa quy định của nhà tài trợ đối với các quy định về thuế, thủ tục mua sắm, đền bù giải phóng mặt bằng trong các điều ước quốc tế vay, thỏa thuận vay và quy định hiện hành của Việt Nam (Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai...), đề xuất phương án xử lý báo cáo Quốc hội để các quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đảm bảo tuân thủ pháp luật, đảm bảo nguyên tắc áp dụng bình đẳng giữa các nhà tài trợ trong việc huy động vốn nước ngoài…
Thạch Thảo (t/h)