THCLBữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/ Mẹ bảo: thôn Đoài hát tối nay... Đó là những câu thơ của Nguyễn Bính nói về làng chèo nổi tiếng của quê hương Nam Định.
Nam Định là tỉnh ven biển có nền văn hóa phong phú và đa dạng: Ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, các trò chơi dân gian, diễn xướng, âm nhạc, sân khấu, rối nước, rối cạn…, đặc biệt là những phường Chèo, gánh Chèo nổi tiếng xứ Nam.
Chèo Nam Định xuất hiện và phát triển trên nền tảng của văn hóa Nam Định mang tính cộng đồng cao trong truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm cũng như trong sinh hoạt đời thường “tình làng nghĩa xóm”… Từ nền văn hóa truyền thống có một bề dày lịch sử từ dân ca, dân vũ, trò chơi, lễ hội hay những phong tục về tâm linh của người dân Nam Định, sân khấu Chèo đã hình thành và phát triển. Cùng với thời gian, Chèo đã trở thành bộ môn nghệ thuật chuyên nghiệp có một vị trí vững chắc ở Nam Định.
Làng Đặng Xá được coi là cái nôi của nghệ thuật hát chèo truyền thống đất Nam Định. Từ đầu thế kỷ XX, huyện Mỹ Lộc đã có 3 làng chèo nổi danh có tiếng vang lớn khắp chốn gần xa là: làng Đặng (xã Mỹ Hưng), làng Quang Sán (xã Mỹ Hà), làng Nhân Nhuế (xã Mỹ Thuận). Trong đó, gánh chèo Đặng Xá là có tiếng hơn cả. Làng Đặng Xá lúc bấy giờ có 10 thôn thì người dân đều mang họ Đặng, chính vì vậy mà làng có tên là làng Đặng.
Ban đầu khi mới thành lập, chèo Đặng Xá được gọi là Gánh chèo làng Đặng. Với số lượng thành viên đông đảo, gánh chèo đã mang những làn điệu chèo cổ đi khắp các thôn, xã trong và ngoài tỉnh để biểu diễn phục vụ nhân dân, tạo khí thế lao động sản xuất hăng say ở mọi nơi. Năm 1954 gánh chèo Đặng Xá đổi tên thành Đội văn nghệ làng Đặng Xá. Đến năm 1959 được đổi tên thành Đội văn nghệ Thượng Hưng và năm 1977 đổi tên thành Đội văn nghệ Bắc Hưng của hợp tác xã Bắc Hưng (bao gồm 14 xóm của cả làng Đặng Xá). Vẫn những thế hệ nghệ nhân đam mê và tâm huyết với nghề, Đội văn nghệ đã mang tiếng trống chèo và những làn điệu chèo say đắm, thiết tha đi phục vụ người dân trong tỉnh từ huyện, xã cho tới thôn, xóm. Trong các hoạt động như chống úng của nông dân, hay hội diễn văn nghệ, lễ hội...đều không bao giờ thiếu vắng âm thanh rộn ràng của những làn điệu chèo.
Các làng chèo phía Nam của tỉnh Nam Định cũng không kém các làng chèo phía Bắc, như huyện Giao Thủy với làng chèo Hoành Nhị, xã Giao Hà do cụ Phùng Hữu Ích khởi xướng cùng với kép Khương, kép Trúc, kép Kiên, kép Khu và kép Toại. Thế mạnh của làng chèo Hoành Nhị là các diễn viên đều biết chơi nhạc nên hát hay và chuẩn. Nhiều kép đóng giả đào mà diễn vẫn có duyên, đầy hấp dẫn. Rồi làng chèo Giao Thanh, cũng chính là nơi sinh ra, rèn luyện tạo nên nghệ sĩ nhân dân Bùi Trọng Đang - người thầy về sân khấu chèo. Nối tiếp truyền thống ấy, Giao Thủy cũng được suy tôn là đất chèo với những giọng hát của Xuân Thịnh, Thanh Bảy, Phùng Thị Nhung, Phùng Thị Hà.
Cũng như Giao Thủy, các làng chèo gốc ở huyện Xuân Trường, nơi mệnh danh đất học, đất văn. Nơi sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều nhà khoa bảng. Các làng chèo ở đây được hình thành từ gánh hát của cố Nguyễn Văn Can, trùm Đặng Văn Tuệ, dần dần phát triển thành các làng chèo và lan tỏa khắp trong huyện.
Cùng khu vực giàu tiềm năng văn hóa biển là huyện Hải Hậu, nơi có bề dày về truyền thống văn hóa đã 26 năm được suy tôn lá cờ đầu văn hóa cấp huyện trong toàn quốc. Hải Hậu phát triển đồng đều cả văn hóa hiện đại và dân gian. Bên cạnh những đội ca nhạc, đội kịch, nhạc kèn mạnh thì các làng chèo, dàn nhạc dân tộc cũng không thua kém, đó chính là làng chèo Phú Văn Nam xã Hải Châu đã tồn tại hàng trăm năm. Lúc đầu chỉ là phường bát âm được các cụ Nguyễn Văn Xiêm, Trần Kim Chi, Đinh Văn Tỉnh, Nguyễn Bích Thảo tổ chức thành phường chèo. Chính nơi đây đã tôi luyện nghệ sĩ Đoàn Bá trở thành đạo diễn chuyên nghiệp. Ông đã dựng hàng chục vở cho đoàn chèo Nam Định; rồi ông Đinh Hoạch Biên, Tuyết Mai đã sáng tác nhiều bài chèo và hoạt cảnh cho làng chèo biểu diễn mà đến nay vẫn còn sống trong lòng khán giả.
Thật muôn màu muôn vẻ, về huyện Nam Trực ngoài phường chèo Điền Xá, Nam Mỹ, thì ta lại thấy các phường chèo gốc gắn kết với phường múa rối nước như ở làng Rạch, xã Hồng Quang, làng Nhất xã Nam Giang. Làn điệu chèo cùng âm nhạc của nó đã tạo nên hiệu quả của múa rối nước. Cứ thế nhiều đội chèo mới ngày càng phát triển như đội chèo Nam Thái có tới 37 diễn viên nhạc công. Về Nghĩa Hưng, Trực Ninh cũng vậy, các đội chèo đều là lực lượng chủ yếu, hoạt động văn hóa văn nghệ ở nông thôn để sân khấu chèo khẳng định vị trí của mình trong xu thế hội nhập, mở cửa trước nền kinh tế thị trường.
Như vậy, ở Nam Định huyện nào cũng có nhiều làng chèo gốc, mà thời kỳ đầu (trước năm 1958) thường diễn các vở chèo cổ như: Lưu Bình - Dương Lễ, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Trương Viên, Lương Sơn Bá - Trúc Anh Đài, Tuần Ty - Đào Huế, Kim Nham...
Khi tổ đổi công và hợp tác xã hình thành, thì các làng chèo gốc lại tuyên truyền cho nhiệm vụ mới với các vở: Nắm cỏ trâu, Chiếc đòn gánh, Cánh đồng sen, Tiếng trống sang canh, Bụi tre gai, Cót thóc vơi...
Từ năm 1964, các làng chèo lại góp sức mình vào công cuộc đánh Mỹ với các vở: Đường về trận địa, Sao đổi ngôi, Con tiếp bước cha, Sông Hồng cuộn sóng, Anh lái xe và cô chống lầy, Bến sông quê, Chị Tâm bến Cốc...
Trong 20 năm đổi mới, các làng chèo gốc đã trở thành các đội chèo mạnh lại sáng tác diễn các vở chèo mang hơi thở của thời đại, góp phần xây dựng nông thôn mới với tinh thần công nghiệp hóa, hiện đại hóa như các vở: Đường đi đôi ngả, Kẻ tiểu nhân, Ông Hám, Tình mẹ, Đêm tuần tra, Đất quê mình, Chuyện nhà nông và rất nhiều vở khác, chiếm được tình cảm của bà con nông dân trong tỉnh. Các thế hệ diễn chèo cứ nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác để sau lũy tre làng không vắng tiếng hát chèo, góp phần tạo nên không khí vui tươi phấn khởi, thúc đẩy nền kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Đến nay Nam Định đã có 170 nhà văn hóa xã và hơn 1000 nhà văn hóa làng, đó chính là nơi hoạt động của trên 600 đội văn nghệ, trong đó có gần 200 đội chèo đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xã hội hóa các hoạt động văn hóa để Nam Định cùng cả nước vững bước xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngọc Linh