NSNN tăng khoảng 7% so với năm 2018
Theo báo cáo “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019” của Bộ KH&ĐT, tổng thu cân đối NSNN 8 tháng đầu năm, ước đạt 871.800 tỷ đồng; cả năm ước đạt 1.358.400 tỷ đồng, tăng 39.200 tỷ đồng so với dự toán (tương đương khoảng 3%) và tăng 5,5% so với 2017.
Tổng chi cân đối NSNN 8 tháng đầu năm, ước đạt 873.500 tỷ đồng, cả năm ước đạt 1.562.400 tỷ đồng, tăng 6,9% so với 2017. Như vậy, bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2018, ước tính 204.000 tỷ đồng. “Bội chi NSNN được đảm bảo, cả năm ước đạt 3,67% GDP, vượt mục tiêu Quốc hội giao 3,7%”, báo cáo nêu rõ.
Cơ cấu chi NSNN tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng chi đầu tư phát triển tiếp tục được nâng lên, năm 2018, ước đạt 26,8% tổng chi cân đối NSNN, cao hơn năm 2017 (25%). Tỷ trọng chi thường xuyên (không bao gồm chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế) tiếp tục giảm xuống, năm 2018, ước đạt 61% tổng chi, thấp hơn năm 2017 (62%).
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2610/QĐ-BTC công khai dự toán NSNN năm 2018. Theo đó, tổng thu ngân sách là 1.319.200 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 1.099.300 tỷ đồng, thu từ dầu thô 35.900 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 179.000 tỷ đồng, thu viện trợ 5.000 tỷ đồng.
Tổng chi ngân sách là 1.523.200 tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển 399.700 tỷ đồng; chi trả nợ lãi 112.518 tỷ đồng; chi viện trợ 1.300 tỷ đồng; chi thường xuyên 940.748 tỷ đồng; chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế 35.767 tỷ đồng; dự phòng ngân sách 32.097 tỷ đồng.
Bội chi ngân sách năm 2018 dự kiến là 204.000 tỷ đồng, bằng 3,7% GDP.
Sang năm 2019, Bộ KH&ĐT dự kiến tổng thu cân đối NSNN đạt khoảng 1.411.300 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với năm 2018; tổng chi cân đối NSNN dự kiến đạt khoảng 1.633.300 tỷ đồng, tăng khoảng 7,2%; bội chi NSNN dự kiến khoảng 222.000 tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP.
Động lực tăng trưởng
Bộ KH&ĐT đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục xu hướng tích cực. Điều này thể hiện qua nhiều con số như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát: CPI tháng 8 tăng nhẹ (0,45%) so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ 2017, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra.
Trên cơ sở kết quả thực hiện 8 tháng đầu năm, đánh giá bước đầu về tình hình cả năm 2018, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tài chính và các chính sách vĩ mô đã giúp giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo được động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 (ngày 30/8), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khả năng chỉ tiêu Quốc hội giao có thể đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt.
Đáng chú ý, tăng trưởng GDP có thể đạt trên 6,7% - tức là đạt ở mức cao chỉ tiêu Quốc hội giao (tăng trưởng 6,5 - 6,7%), đồng thời gắn với cải thiện cơ cấu trong các khu vực sản xuất trọng yếu và nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, tìm dư địa, động lực mới để phát triển.
“Nhờ có kết quả từ những nỗ lực cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh... của Chính phủ, tăng trưởng GDP vẫn duy trì được đà tăng khá qua các quý, mặc dù năm 2017 đã đạt mức tăng ấn tượng. Động lực tăng trưởng của năm 2018 đến cả từ phía cung và phía cầu, nhất là năng lực tăng thêm của các ngành, lĩnh vực ngày càng được mở rộng”, Bộ KH&ĐT báo cáo.
Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội 2018, Bộ KH&ĐT dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ vào khoảng 6,6 - 6,8%. Theo Bộ KH&ĐT, kinh tế trong nước giai đoạn 2016 - 2018 đã được cải thiện, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng xuất khẩu và FDI đạt mức kỷ lục. Kinh tế vĩ mô ổn định - tiếp tục tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân có thể đạt 6,71% (mục tiêu từ 6,5 - 7%).
Hoan Nguyễn