Hiện tại, tổng số trụ sở làm việc tại các xã, phường liên quan đến sắp xếp là 196. Sau khi hoàn thành quá trình sáp nhập, chỉ 127 trụ sở được giữ lại để tiếp tục sử dụng, còn lại 69 trụ sở sẽ rơi vào tình trạng dư thừa.

Một góc TP Nam Định, tỉnh Nam Định.
Một góc TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.

Việc bố trí, sử dụng các trụ sở sau sáp nhập sẽ tuân thủ theo quy định của Chính phủ, đảm bảo thực hiện tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Nguyên tắc sử dụng trụ sở sau sắp xếp như sau: Mỗi xã mới sẽ bố trí một trụ sở dành cho Đảng ủy và một trụ sở cho HĐND và UBND. Các trụ sở còn lại, nếu có, sẽ được ưu tiên làm nơi làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập cấp xã, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Về lộ trình giải quyết số trụ sở công dôi dư, tỉnh Nam Định dự kiến xử lý dứt điểm toàn bộ 69 trụ sở này vào năm 2029. Cụ thể, năm 2025: 0 trụ sở; năm 2026: 49 trụ sở; năm 2027: 6 trụ sở; năm 2028: 12 trụ sở; năm 2029: 2 trụ sở.

Bên cạnh đó, các đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ chủ động cân đối ngân sách để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc nhằm đảm bảo điều kiện công tác cho các cơ quan, tổ chức tại địa phương.

Cũng theo Đề án, tỉnh Nam Định sẽ điều chuyển toàn bộ biên chế hiện có ở cấp huyện xuống cấp xã. Lực lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện sẽ đóng vai trò nòng cốt tại các xã mới. Ngoài ra, tỉnh cũng có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh về cấp xã nếu cần thiết.

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cấp xã sau sắp xếp sẽ không vượt quá tổng số trước khi sáp nhập (không tính số cán bộ được điều động từ cấp huyện, cấp tỉnh). Trước mắt, Nam Định vẫn giữ nguyên số lượng biên chế hiện tại, sau đó sẽ thực hiện rà soát, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ theo đúng lộ trình, đảm bảo đạt yêu cầu trong vòng 5 năm.

Đề án cũng nhấn mạnh việc chấm dứt sử dụng người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã sau sắp xếp.

Vân Anh