Nga, Mỹ chỉ có 15 - 30 phút để giáng trả đòn phủ đầu hạt nhân - Hình 1

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga

Bulletin of the Atomic Scientists hôm 1/3/2017 đã công bố một nghiên cứu với mở đầu như sau:

“Chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ được khắc họa như một nỗ lực đảm bảo sự tin cậy và an toàn của các đầu đạn trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, hơn là để nâng cao khả năng quân sự.

Tuy nhiên trên thực tế, chương trình này đã triển khai các công nghệ mới mang tính cách mạng, sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng tấn công mục tiêu của kho tên lửa đạn đạo của Mỹ. Sự phát triển về khả năng này thật đáng kinh ngạc, giúp nâng cao uy lực sát thương của lực lượng tên lửa đạn đạo Mỹ hiện nay, đồng thời cũng tạo ra thứ mà Mỹ mong muốn, nếu một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân định sử dụng năng lực này để chiến đấu và chiến thắng trong một cuộc chiến hạt nhân bằng cách tấn công phủ đầu đối thủ.

Với sự cải tiến này, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã hoàn toàn quên tầm ảnh hưởng mang tính cách mạng của nó đối với các khả năng quân sự và vai trò quan trọng đối với nền an ninh toàn cầu”.

Tác giả của nghiên cứu này là ba chuyên gia hàng đầu của Mỹ về vũ khí và cân bằng chiến lược giữa các quốc gia: Hans Kristensen, Matthew McKinzie và Theodore Postol. Trong nghiên cứu, ba nhà khoa học này đã chỉ ra rằng:

“Sự gia tăng đáng kể về khả năng nhắm mục tiêu hạt nhân của Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chiến lược, cũng như nhận thức về chiến lược và ý định hạt nhân của Mỹ.

Còn các nhà hoạch định chính sách Nga gần như chắc chắn sẽ thấy được sự tiến bộ trong khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu của Mỹ, một khả năng đòi hỏi Nga phải thực hiện các biện pháp đối phó, củng cố sự sẵn sàng giáng trả của lực lượng hạt nhân Nga.

Các tình huống hạt nhân căng thẳng dựa trên các giả định tình huống xấu nhất cũng gây ra nguy cơ đáp trả hạt nhân trước các tín hiệu tấn công giả. Khả năng sát thương mới này làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ lực lượng hạt nhân của Mỹ hoặc Nga sẽ được sử dụng để đáp trả cảnh báo tấn công trước, ngay cả khi cuộc tấn công vẫn chưa diễn ra”.

Nga, Mỹ chỉ có 15 - 30 phút để giáng trả đòn phủ đầu hạt nhân - Hình 2

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Mỹ mang số vũ khí hạt nhân có khả năng hủy diệt cả một quốc gia (Hình minh họa)

Các tác giả Mỹ cũng đưa ra lời cảnh báo: “Nga không có hệ thống cảnh báo sớm trong không gian, mà chủ yếu dựa vào các radar cảnh báo sớm trên mặt đất để phát hiện trước cuộc tấn công tên lửa của Mỹ. Vì những radar này không thể nhìn quá xa nên Nga chỉ có thời gian chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng nửa của Mỹ (Mỹ có khoảng 30 phút, trong khi Nga chỉ có khoảng 15 phút hoặc ít hơn).

Nói cách khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump có 30 phút để quyết định xem liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có thực hiện tấn công phủ đầu không, trong khi ông Putin cũng chỉ có chưa đầy 15 phút để xác định có phải ông Trump tấn công phủ đầu không.

Và nếu đến khi kết thúc thời gian mà không chắc là bên kia có tấn công phủ đầu không thì một bên sẽ buộc phải tấn công trước với giả định rằng nếu không làm như vậy thì không những khiến toàn cầu phải chịu nhiễm phóng xạ hạt nhân và nạn đói mà còn không thể trả đũa lại kẻ gây ra cuộc tấn công".

Unz Rewiew cho rằng, chắc chắn là đạo đức và hình ảnh cá nhân của lãnh đạo một quốc gia trong tình huống như vậy là những nhân tố quyết định đến hành động của lãnh đạo (chứ không phải là những hệ quả quốc tế). Nhưng chỉ dành 15 phút cho Nga và 30 phút cho Mỹ để quyết định thì sẽ có khả năng một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ chấm dứt cuộc sống hiện nay của toàn thế giới.

Câu hỏi hiện nay là "tại sao thế giới lại đi đến giai đoạn cực kỳ nguy hiểm này"?

Việc các tác giả của nghiên cứu liên tục nói rằng thông tin mà họ sử dụng là nguồn tin mật từ chính phủ cho thấy chỉ một số rất ít người trong chính phủ biết được mục tiêu chiến lược cơ bản của các chiến dịch và mục tiêu của các phương tiện chiến thuật được sử dụng để triển khai kế hoạch tấn công.

Chẳng hạn như rõ ràng không hề có sự xuất hiện của người đứng đầu các bộ trong nội các, nhưng rõ ràng kể từ khi quyết định quan trọng triển khai sức mạnh hạt nhân lên toàn bộ các đầu đạn trên tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Mỹ được ông Obama đưa ra, ông chính là nhân tố chính bị đổ tội cho tình hình căng thẳng hiện nay.

Tuy nhiên Unz Review nhận xét, ông Trump - người thừa hưởng tình hình này từ người tiền nhiệm- lại không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ đảo ngược tình hình và từ bỏ mục tiêu chiến lược hàng đầu hiện nay của Mỹ là chinh phục Nga.

Thời gian trôi qua nhưng ông Trump vẫn không tuyên bố gì về việc sẽ chấm dứt hoạt động này, điều này đồng nghĩa với việc ông Trump rất có thể sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch của Obama.

Nga, Mỹ chỉ có 15 - 30 phút để giáng trả đòn phủ đầu hạt nhân - Hình 3

Tên lửa hạt nhân chiến lược Sarmat của Nga

 

Nga, Mỹ chỉ có 15 - 30 phút để giáng trả đòn phủ đầu hạt nhân - Hình 4

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga

Theo Unz Review, bước ngoặt chính dẫn đến tình trạng khủng hoảng như hiện nay là Mỹ đã dần dần chấp nhận khái niệm sử dụng vũ khí hạt nhân để chinh phục thay vì chỉ để răn đe.

Hệ thống trước đây được sử dụng để răn đe được gọi là MAD (tiêu diệt lẫn nhau) được xây dựng dựa trên ý tưởng nếu hai cường quốc hạt nhân định tiến hành chiến tranh chống lại nhau thì cả thế giới sẽ bị hủy diệt và sẽ không còn khai niệm người thắng- kẻ thua nữa, thực chất đó là sự hủy diệt lẫn nhau và hành tinh này sẽ không còn sự sống.

Một sự kiện mang tính bước ngoặt trong quá trình tái nhận thức về một cuộc chiến “có thể thắng” chính là việc xuất bản hai bài báo vào năm 2006 trên hai tạp chí uy tín nhất về quan hệ quốc tế là Forreign Affairs và International Security, trong đó cả hai bài đều chính thức đưa ra khái niệm “Nuclear Primacy” (ưu thế hạt nhân) hay sự mong muốn Mỹ xây dựng kế hoạch chinh phục nước Nga bằng hạt nhân.

Cho đến khi hai bài báo này được xuất bản, bất kỳ ý tưởng nào như vậy đều được cho là tồi tệ. Tuy nhiên kể từ sau đó lại được coi là ý tưởng chủ đạo. Nguồn gốc của ý tưởng này xuất phát từ ngày 24/2/1990, khi George Herbert Walker Bush (Bush cha) đã bí mật khởi xướng một chiến dịch để chinh phục nước Nga.

Unz Review cảnh báo, giờ đây ý tưởng này lại được đưa ra sau 27 năm và sẽ tiêu tốn của nước Mỹ hàng nghìn tỷ USD tiền thuế mà không thể hiện mục đích tốt đẹp nào và có thể sẽ dẫn đến một kết cục kinh hoàng.

Đây là thời kỳ nguy hiểm nhất trong lịch sử nước Mỹ, và ông Trump hiện đang ngồi trên ghế nóng. Nếu một lúc nào đó thế giới cần một lãnh đạo dũng cảm và vĩ đại thì chính là lúc này, vì nếu không thế giới rất có thể sẽ bị hủy diệt. 

Sẽ rất khó để tránh được kết cục này, tuy nhiên không phải là không thể. Kể từ cuộc đảo chính ở Ukraine năm 2014, ngày càng nhiều hầm trú ẩn chống hạt nhân được xây dựng. Mối nguy hiểm này là một thực trạng mới trên toàn cầu. Nếu Mỹ không loại bỏ mối đe dọa này, mối đe dọa sẽ đạt đỉnh điểm, dù là bên nào tấn công trước.

Cuối cùng, chỉ ông Trump mới có thể quyết định chinh phục Nga hay hủy bỏ kế hoạch này. Nếu ông Trump tiếp tục giữ im lặng về vấn đề trên, Unz Review lo sợ rằng trong tình huống cực kỳ nguy cấp, ông Putin có thể sẽ cho rằng Nga sẽ là bên phải tấn công trước (nhằm duy trì an ninh quốc gia và bảo đảm sự tồn tại của nước Nga).

Thực tế cho thấy, có vẻ Nga chưa từ bỏ quan điểm này và Mỹ cũng vậy. Và vì thế, cả thế giới lại đang nín thở trước nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân.

 Đặng Phương Thảo - VietTimes