Thương hiệu BVBank thuộc Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), được thành lập từ năm 1992, có trụ sở chính tại số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Với vốn điều lệ là 5.016 tỷ đồng (thời điểm 30/09/2023), BVBank không ngừng đổi mới hoạt động, cung cấp thêm nhiều sản phẩm dịch vụ, cải tiến chất lượng,… thông qua những sản phẩm dịch vụ như: Internet Banking, SMS Banking, Mobile banking, Phone Banking… Ngân hàng Bản Việt có hệ thống kênh phân phối gồm 01 trụ sở chính, 38 chi nhánh, 77 phòng giao dịch và 01 quỹ tiết kiệm.
Ngày 09/07/2020, cổ phiếu ngân hàng Bản Việt chính thức giao dịch trên sàn UpCoM, mã chứng khoán BVB. Chủ tịch Hội đồng quản trị của BVB hiện tại là ông Lê Anh Tài và Tổng giám đốc là ông Ngô Quang Trung. Trong nhóm cổ đông sở hữu cùng với ông Tài và ông Trung có bà Nguyễn Thanh Phượng.
Tuy nhiên, trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, BVBank gặp không ít thăng trầm về sản phẩm, dịch vụ, tài chính khiến người tiêu dùng phải xem xét kỹ để đầu tư. Trong đó, BVBank kinh doanh trồi sụt với lợi nhuận hàng năm chỉ quanh ngưỡng vài trăm tỷ đồng; Bị Kiểm toán Nhà nước “điểm danh” trong danh sách các ngân hàng vượt room tín dụng. Trong quý III/2023, khoản nợ khó thanh khoản (có thể gọi là nợ xấu) của BVBank tăng lên 33% so với đầu năm 2023, sở hữu khoản nợ xấu hơn 326,3 tỷ đồng tại Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC)… Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của BVBank quý này giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái, do vậy sau 09 tháng BVBank có lợi nhuận sau thuế giảm 86%.
BVBank và việc triển khai kế hoạch đề ra
Mới đây, thương hiệu Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Bản Việt (Viet Capital Bank - BVBank) đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2023. Kết quả thể hiện, quý này, thu nhập lãi thuần của BVBank giảm 14% đạt 398 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của BVBank chỉ đạt 17 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm sáng trong bức tranh tài chính quý này là lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 6,4% đạt hơn 16,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 41,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái âm 8,2 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối âm 895 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 36,1 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác cũng giảm 73%, đạt 3,5 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.
Qúy III/2023, BVBank cũng trích lập hơn 43,8 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 29% và chi phí hoạt động đạt 393 tỷ đồng, nhích nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, BVBank báo lãi sau thuế hơn 17 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế từ đầu năm đến 30/09/2023, thu nhập lãi thuần của BVBank giảm 21%, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 14,6% và chi phí hoạt động tăng 9,4% so với hồi đầu năm. Do vậy, BVBank giảm sâu về lợi nhuận sau thuế, giảm 86% đạt 48,5 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2023.
Về dòng tiền, tính đến ngày 30/09/2023, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng với mức ấn tượng đạt 4.225 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 8.674 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư và tài chính ghi nhận mức âm lần lượt là 115 tỷ đồng và 820 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm 2022, dòng tiền hoạt động đầu tư âm 348 tỷ đồng và dòng tiền hoạt động tài chính dương 1.381 tỷ đồng).
Tích cực hoạt động trong khó khăn của thương hiệu BVBank
Tính đến ngày 30/09/2023, tổng tài sản BVBank đạt 84.286 tỷ đồng, tăng 6,6% so với hồi cuối năm 2022. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 50%, đạt 3.607 tỷ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác tăng 24,4% đạt 10.429 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 4,2% lên 52.242 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2022.
Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tăng 7,4% lên mức 53.866 tỷ đồng và tiền gửi của các TCTD khác tăng 10,3% lên 9.615 tỷ đồng so với cuối năm 2022,…
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ khó thanh khoản (có thể gọi là nợ xấu) tại thời điểm 30/09/2023 của BVBank là 1.886,8 tỷ đồng, tăng 468,3 tỷ đồng so với hồi đầu năm (tương đương tăng vọt 33% và gấp 1,33 lần so với đầu năm).
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 76% đạt mức 262,3 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm ở mức 149 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 33%, đạt 543 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 25% đạt 1.081,4 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2023.
Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của BVBank tăng từ 2,78% hồi đầu năm lên mức 3,55% tại thời điểm 30/09/2023.
Gần đây nhất, các chỉ số trên BCTC những quý gần đây của BVBank cho thấy, quý I/2023 tổng nợ xấu đạt 1.566 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng dư nợ cho vay so với hồi đầu năm 2023. Qúy II/2023, tổng nợ xấu 1.710 tỷ đồng, chiếm 3,17% tổng dư nợ cho vay so với hồi đầu năm.
Tại BCTC Kiểm toán năm 2022, nợ xấu của BVBank đạt 1.418,5 tỷ đồng trên tổng dư nợ 50.859 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,78%. Năm 2021, dư nợ xấu của BVBank đạt 1.175,9 trên tổng dư nợ 46.389 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,53%.
Xa hơn, nhìn vào các chỉ số tài chính trên BCTC Kiểm toán giai đoạn từ năm 2015-2020 cho thấy, dư nợ xấu tại thời điểm cuối 2015 của BVBank ghi nhận hơn 159,2 tỷ đồng trên tổng dư nợ 15.863 tỷ đồng, tức tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,0%.
Tại BCTC Kiểm toán năm 2016 của BVBank cho thấy, dư nợ xấu đạt hơn 266,6 tỷ đồng trên tổng dư nợ 20.994 tỷ đồng - tức tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,26%. Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của BVBank tại thời điểm cuối các năm 2018, 2019 và 2020 lần lượt là: 611 tỷ đồng trên tổng dư nợ 29.690 tỷ đồng (2,0%); 852,7 tỷ đồng trên tổng dư nợ 33.995 tỷ đồng (2,5%) và 1.112 tỷ đồng trên tổng dư nợ 39.832 tỷ đồng (2,79%).
Như vậy, nhìn vào bức tranh tài chính nợ xấu tại thương hiệu Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 09/2023 thì tỷ lệ nợ xấu luôn ở ngưỡng cao. Và cho đến thời điểm 30/09/2023 đạt mức 3,55%.
Thương hiệu BVBank tăng trích lập dự phòng
Tại ngày 30/09/2023, BVBank ghi nhận 326,3 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam Quản lý tài sản (VAMC) phát hành.
Cũng tại BCTC của BVBank vào năm 2019, vào thời điểm cuối 2018 BVBank ghi nhận hơn 1.317 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, trong đó có hơn 115,7 tỷ đồng cho dự phòng trái phiếu đặc biệt. Đến cuối 2019, BVBank ghi nhận hơn 377,4 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, trong đó có hơn 105,1 tỷ đồng cho dự phòng trái phiếu đặc biệt.
Thuyết minh trong BCTC Kiểm toán năm 2019, đây là trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành nhằm mua lại các khoản nợ xấu của Ngân hàng với tổng giá trị nợ gốc đã được mua là 386,1 tỷ đồng (ngày 31/12/2018 là 1.342,7 tỷ đồng). Tính đến thời điểm bán nợ cho VAMC, dự phòng rủi ro cụ thể đã được Ngân hàng trích lập cho các khoản nợ này là 8,7 tỷ đồng (ngày 31/12/2018 là 25,5 tỷ đồng). Khoản dự phòng này đã được sử dụng để ghi giảm vào giá trị nợ gốc khi bán nợ cho VAMC.
Đáng chú ý, tại BCTC của thương hiệu BVBank vào cuối 2020 cho thấy, BVBank đã mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành còn số dư tại ngày tại ngày 31/12/2019. Như vậy, tại thời điểm 31/12/2020, Ngân hàng TMCP Bản Việt “sạch” nợ xấu tại VAMC.
Từ năm 2021 đến quý II/2023, thương hiệu BVBank không ghi nhận khoản nợ xấu tại VAMC. Nhưng, sang quý III/2023, BVBank lại tiếp tục ghi nhận 326,3 tỷ đồng Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Như vậy, dữ liệu BCTC của BVBank thể hiện rõ, kể từ năm 2015 đến thời điểm 30/09/2023, đơn vị luôn phải trích lập dự phòng của khoản nợ trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Ngân hàng nới room tín dụng
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Bản Việt bị Kiểm toán Nhà nước “điểm danh” trong danh sách các ngân hàng vượt room tín dụng.
Theo đó, Báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán năm 2022 chỉ ra một số tồn tại liên quan tới cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại năm 2021. Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản quy định cụ thể về điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng với từng nhà băng. Điều này khiến một số nhà băng có mức tăng tín dụng vượt trần do Ngân hàng Nhà nước cấp. Trong đó, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) tăng tín dụng vượt trần cho phép gần 2,2%.
Cụ thể, tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của BVBank, tại ngày 31/12/2021, chỉ tiêu Dư nợ cấp tín dụng tại BVBank đạt 46.409 tỷ đồng, bằng 102% room Ngân hàng Nhà nước cho phép. Trước đó, chỉ tiêu tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho thương hiệu BVBank là 45.529 tỷ đồng.
Còn theo BCTC hợp nhất sau kiểm toán năm 2021 của thương hiệu BVBank, hồi cuối năm 2021, chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt 46.389 tỷ đồng, tăng 6.556 tỷ đồng, tương đương 16,5% so với năm 2020.
Cũng giống như nhiều đơn vị khác, BVBank có rót vốn cho các công ty có liên quan. Cụ thể, năm 2017, BVBank ký 02 hợp đồng tín dụng với Công ty CP Bất động sản Bản Việt. Tài sản đảm bảo là các khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng cho thuê Quyền sử dụng đất ngày 04/07/2013 được ký kết giữa Văn phòng Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Công ty CP Bất động sản Bản Việt; 8.400.000 và 9.400.000 cổ phần phổ thông do Công ty CP Phát triển Bất động sản Việt Hưng phát hành.
Chỉ trong nửa đầu năm 2023, thương hiệu BVBank và Công ty CP Good Day Hospitality đã ký 05 hợp đồng tín dụng. Tài sản đảm bảo là máy móc thiết bị tại một số cửa hàng McDonald’s. Trước đó, từ năm 2013, BVBank đã hàng chục lần rót vốn cho Good Day Hospitality.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Mã CK: BVB) cũng đã nhận được quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cụ thể, ngân hàng này bị phạt tiền 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch. Thương hiệu BVB công bố thông tin Báo cáo thay đổi phương án sử dụng vốn/số tiền thu được từ đợt chào bán/phát hành số 630A/2022/BC-BVB ngày 12/05/2022 (công bố trên hệ thống công bố thông tin điện tử của UBCKNN ngày 13/05/2022) sai lệch so với Báo cáo tình hình sử dụng vốn từ ngày 12/05/2021 đến ngày 13/05/2022 do Chi nhánh Công ty TNHH KPMG tại TP. HCM Việt Nam thực hiện kiểm toán (công bố trên hệ thống công bố thông tin điện tử của UBCKNN ngày 17/08/2022).
Theo đó, thương hiệu BVB bổ sung vốn hoạt động kinh doanh ngân hàng, tăng quy mô hoạt động các chi nhánh: Chênh lệch 100 tỷ; bổ sung vốn cho vay trung - dài hạn: Chênh lệch gần 50 tỷ đồng.
Ủy ban Chứng khoán đã yêu cầu thương hiệu BVB có biện pháp khắc phục hậu quả, Ngân hàng buộc phải hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những dự án mà thương hiệu BVB "đỡ đầu", cho vay, đầu tư phát triển và hiệu quả...
Minh An