Đà tăng giá mạnh mẽ
Dưới sự tác động của biến đổi khí hậu và Covid-19, sản lượng đường tại một số quốc gia xuất khẩu đường lớn trên thế giới như: Brazil và Thái Lan sụt giảm mạnh gây ra thâm hụt đường trên toàn cầu. Xu thế này được dự báo sẽ tiếp diễn trong niên vụ tới và giá đường toàn cầu đang trong đà tăng mạnh mẽ.
Giá đường thế giới đang trong xu hướng tăng từ niên vụ 2020/2021 do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng với sản lượng tại Brazil và Thái Lan sụt giảm mạnh do thời tiết không thuận lợi. Đây là 2 quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới niên vụ 2020/2021 khi lần lượt chiếm 50% và 11% sản lượng đường xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), niên vụ 2021/2022, sản lượng mía đường Thái Lan hồi phục mạnh so với năm ngoái nhờ thời tiết thuận lợi cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, xuất khẩu đường sẽ đạt mức 10 triệu tấn, tăng từ mức thấp kỷ lục 4 triệu tấn ở niên vụ 2020/2021.
Trong niên vụ 2021-2022, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) ước tính sản lượng mía thu hoạch tại Brazil giảm 10% so với năm 2020, với sản lượng xuất khẩu giảm còn 26 triệu tấn (giảm 19%). Trong khi đó, tình trạng khô hạn nghiêm trọng đã cản trở hoạt động sản xuất mía trong niên vụ 2022-2023 với sản lượng mía đầu ra tại Brazil chỉ tăng 4% so với năm 2020. Ngược lại, tại Thái Lan, sản lượng mía đã vượt ước tính trước, đạt 90 triệu tấn (tăng 36%). Tập đoàn Mía đường Thái Lan (TSMC) cho biết, sản lượng sản xuất đường nước này ước tính đạt 10 triệu tấn. Ấn Độ, quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai và xuất khẩu đường lớn thứ ba thế giới, ước tính chuyển sản lượng tương đương 3,5 triệu tấn đường để sản xuất ethanol trong năm nay, trong khi có mùa vụ mía ổn định.
Mặc dù chưa công bố dự báo nguồn cung thế giới trong niên vụ 2022/2023, tình trạng thiếu cung trong niên vụ 2021/2022 ước tính nằm trong khoảng 3-4 triệu tấn. Theo dữ liệu của Trading Economics về theo dõi giá đường 5 năm, mức giá đường thô thế giới ở những tháng cuối năm 2021 đang nằm ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây (kể từ năm 2017).
Tổ chức Đường Quốc tế ISO dự báo sản lượng đường thế giới sẽ thâm hụt 3,8 triệu tấn trong niên vụ 2021/2022, qua đó dự báo giá đường vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Còn tại thị trường trong nước, báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, đến nay, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành niên vụ mía 2020/2021. Toàn ngành đã ép được 6.739.417 tấn mía, đạt sản lượng 689.830 tấn đường, thấp hơn niên vụ 2019/2020. Trong niên vụ 2020/2021, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng khoảng từ 150.000 đến 200.000 đồng/tấn so với niên vụ trước, nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường nước ta.
Cũng theo Bộ Công Thương, giá đường trong nước đã và đang tăng giá, dần tiếp cận với giá đường các nước trong khu vực. Theo thông tin mới nhất từ một số doanh nghiệp lớn, giá đường trắng nhập khẩu tại cảng Hải Phòng dao động từ 18.300 - 18.500 đồng/kg, tại miền Nam là 18.700 - 18.900 đồng/kg; giá lẻ tại các nhà máy: đường trắng 19.000 - 19.100 đồng/kg, đường tinh luyện 19.500 - 19.600 đồng/kg.
Dựng “lá chắn” cho doanh nghiệp nội
Tại Việt Nam, ngành đường trong nước được hưởng lợi nhờ chính sách bảo hộ áp dụng lên đường Thái Lan nhập khẩu, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng trở lại vùng trồng, cũng như cải thiện biên lợi nhuận khi giá đường trong nước tăng.
Theo Quyết định 1578/QĐ-BCT, mức thuế áp dụng cho các sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan gồm có thuế chống bán phá giá 42,99% và thuế chống trợ cấp 4,65% trong vòng 5 năm có hiệu lực kể từ ngày 16/06/2021. Với tổng mức thuế lên tới 47,64% các doanh nghiệp sản xuất mía đường Việt Nam giảm bớt sự cạnh tranh với các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan khi trước đó phải đối diện với rất nhiều khó khăn từ đường nhập khẩu khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) bắt đầu có hiệu lực.
Hiện quá trình điều tra lẩn trốn thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang được tiến hành, các cơ quan chức năng sẽ thu thập bằng chứng từ bản câu hỏi điều tra dành cho các công ty sản xuất, xuất khẩu nước ngoài đến hết ngày 01/12/2021. Ước tính, kết quả sơ bộ sẽ công bố vào đầu năm 2022.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nhập khẩu đường giá rẻ từ Thái Lan vào nước ta đã giảm mạnh từ tháng 02/2021 đến nay sau khi các biện pháp phòng vệ thương mại với đường mía xuất xứ từ Thái Lan được kích hoạt, qua đó mở ra sự phục hồi của ngành mía đường trong nước.
Tuy nhiên, các tháng gần đây sản lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN vốn không đủ năng lực xuất khẩu đường tăng đột biến so với giai đoạn trước đó. Đây khả năng là một động thái né thuế của đường Thái Lan, khi các nước nhập khẩu đường Thái Lan không để tiêu dùng trong nước mà đưa sang Việt Nam. Bên cạnh đó là đường nhập lậu qua biên giới với khối lượng lớn vẫn vào Việt Nam bất chấp tình hình dịch diễn biến phức tạp và kiểm soát chặt chẽ biên giới.
Các năm trước, giá đường xuống thấp và ngành đường nội địa không cạnh tranh được với đường giá rẻ nhập lậu cũng như đường Thái Lan sau khi hiệp định ATIGA được ký kết làm cho diện tích và sản lượng liên tục sụt giảm. Niên vụ 2021/2022, dự kiến vùng trồng giảm nhẹ so với niên vụ trước do thời điểm hiện tại không còn nhiều giống cũng như quỹ đất để mở rộng vùng trồng. Tuy nhiên sản lượng mía dự kiến tăng 2% nhờ năng suất tăng và sản lượng mía đưa vào các nhà máy chế biến đường đạt 8,6 triệu tấn, tăng hơn 28% so với niên vụ trước để bù đắp nguồn cung đường bị thiếu hụt.
Công ty cổ phần chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cho rằng, các biện pháp phòng vệ áp dụng với đường Thái Lan nhập khẩu tạo thuận lợi rõ rệt tới các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước, giúp các các doanh nghiệp nội địa giành lại thị phần và mở ra câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn.
Bên cạnh đó, nguồn cung trong nước cũng đang giảm khi diện tích và sản lượng mía giảm nhiều trong những năm qua, dẫn tới việc 17/41 nhà máy đã đóng cửa hoặc phá sản trong các năm gần đây (theo số liệu của VSSA), sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp đường có vùng nguyên liệu lớn trong ngành.
Hiện giá đường trong nước đang ở mức cao nhất trong 04 năm qua. Agriseco Research dự báo giá đường sẽ tiếp tục tăng và giữ ở mức cao trong thời gian tới, qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nội địa sau nhiều năm giá đường sụt giảm và không cạnh tranh được với đường nhập khẩu. Thêm vào đó là tình hình thời tiết thuận lợi sẽ là động lực để mở rộng trở lại vùng trồng, giúp tăng sản lượng tiêu thụ, dự kiến niên độ tới sản lượng mía đưa vào ép tăng hơn 25%.
Bên cạnh những lợi thế, Agriseco Research cũng cảnh báo những rủi ro có thể xảy đến khi năng suất và quy mô ngành mía đường của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan nên tính cạnh tranh của sản phẩm đường nội địa kém hơn đường nhập khẩu. Cụ thể, dự trữ đường của Thái Lan đạt hơn 11% trong khi Việt Nam chỉ đạt 9,8% (theo số liệu của USDA và VSSA). Ngoài ra, thời tiết, dịch bệnh cũng là những yếu tố mà Agriseco Research khuyến cáo các doanh nghiệp cần chú ý trong trung, dài hạn.
Hưng Khánh