Đạt được 21% không dễ!
Một trong những nguyên nhân khiến tín dụng tăng nhưng không đạt được kỳ vọng, được các chuyên gia cho rằng các DN sản xuất, kinh doanh vẫn khó tiếp cận tín dụng.
Tại buổi họp báo Chính phủ tháng 10, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu, tín dụng có đạt mục tiêu hay không còn phụ thuộc vào sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Nếu tạo được môi trường đầu tư kinh doanh tốt, thì có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng.
Cho dù hiện nay các điều kiện về môi trường kinh doanh đã được cải thiện, thế nhưng điều kiện vay vốn vẫn đang là một rào cản lớn, khó khăn cho sự phát triển - hạn chế không nhỏ tới môi trường đầu tư kinh doanh của DN.
Thời gian qua, nhiều NH đã nỗ lực đưa ra các sản phẩm, dịch vụ, ưu đãi về lãi suất và kết nối với DN, người dân, thế nhưng tín dụng tăng nhanh nhất cũng mới chỉ đạt khoảng 17 - 18%. Đó là chưa kể vẫn còn có NH cổ phần rất lớn qua 9 tháng, tín dụng vẫn chưa thể tăng trưởng dương.
Các chuyên gia dự báo, 2 tháng còn lại, tín dụng có thể sẽ tăng nhanh hơn thời gian qua, tuy nhiên, việc tăng trưởng tăng gấp 7 lần so với bình quân 10 tháng qua để đạt mức tăng trưởng toàn ngành 21% là điều khó.
Thông qua đối chiếu việc đóng thuế của 3 khu vực là DNNN, DN FDI và DN ngoài quốc doanh, 9 tháng đầu năm mới đạt khoảng 60% thì rõ ràng, sự kỳ vọng vào môi trường đầu tư kinh doanh tốt để đẩy tăng trưởng tín dụng là không thể. Vậy thì, quy mô sản xuất ở đây đang có vấn đề?
Bên cạnh đó, theo số liệu của VCCI, tính đến hết tháng 9, cả nước có 120.000 DN thành lập mới, nhưng có tới 60% không hoạt động được hoặc đang ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Và thu hút vốn đầu tư, thông qua việc thành lập các DN mới đến nay cũng không khả thi.
Còn lại thị trường chứng khoán và bất động sản, có dấu hiệu tăng trưởng. Bởi vậy, việc lo ngại về tăng trưởng tín dụng - đang đổ vào 2 lĩnh vực này là có cơ sở.
Cần kiểm soát thị trường
Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, nếu thúc ép tăng trưởng tín dụng phải đạt được con số nhất định - có thể khiến thị trường mất kiểm soát nguồn vốn, chất lượng cũng như thiếu sự hài hòa. Điều này rất dễ phát sinh nợ xấu. Do đó, cần phải kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ 2 thị trường chứng khoán và bất động sản để tránh những tác hại ngược đến nền kinh tế.
Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng tín dụng, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng: “Tăng trưởng tín dụng phải đi từ nội lực của nền kinh tế như lĩnh vực sản xuất thì nền kinh tế sẽ phát triển bền vững, kể cả hiện tại và tương lai, chứ không phải nhờ vào sự tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài hay tăng trưởng nhờ trên những thị trường có khả năng “ảo” như bất động sản, chứng khoán”.
Tại buổi làm việc với Phó chủ tịch NH Thế giới (WB) bà Victoria Kwakwa, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định không bị áp lực nào gây sức ép lên tốc độ tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, chất lượng tín dụng được củng cố, kiểm soát chặt chẽ ở các lĩnh vực rủi ro, nhất là tín dụng bất động sản. “Tăng trưởng, nhưng phải đảm bảo mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc nhấn mạnh.
Mới đây nhất, IMF đã có những đánh giá rất tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam trong việc kiểm soát tốt, nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế rủi ro.
Cùng với đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s vừa nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống NH Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”…
Duy Thế