Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2023, hệ thống y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được củng cố, nâng cao về chất lượng hoạt động; công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm triển khai đồng bộ, hoạt động giám sát phát hiện sớm ca nghi mắc được thường xuyên duy trì tại bệnh viện và trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến thời điểm này hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận 1.575 ca sốt xuất huyết; 592 ca tay chân miệng; 1 ca viêm não Nhật Bản, 20 ca nghi viêm não do vi-rút; 33 ca sởi; 2 ca sốt rét...

Các dịch bệnh đều được kiểm soát và khống chế, không để ảnh hưởng, tác động xấu tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến hết tháng 11/2023, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B 24 giờ đầu đạt 76,3%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm BCG đạt 90,2%; tỷ lệ tiêm vắc xin BH-HG-UV-BL-Hib mũi 1 đạt 74,8%, BH-HG-UV-BL-Hib mũi 2 đạt 66,0%, BH-HG-UV-BL-Hib mũi 3 đạt 60,8%; tỷ lệ trẻ uống OPV lần 1 đạt 75,1%, OPV lần 2 đạt 69,8%, OPV lần 3 đạt 61,9%; tỷ lệ tiêm vắc xin sởi cho đối tượng trẻ 9 - 12 tháng đạt 69,0%...

Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết tiếp tục ghi nhận số ca mắc gia tăng ở các huyện, thị xã, thành phố, chủ yếu là các ca xâm nhập từ Hà Nội về và nguy cơ lây lan tại địa phương. Cùng với đó, số người từ các vùng dịch trở về địa phương rất lớn là nguy cơ làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Để tiếp tục chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Chủ tịch UBND tỉnh, ngành y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống dịch có thể xảy ra.

Tại các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường truyền thông phòng bệnh, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe...

Để phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như sau: Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, tại các địa điểm tập trung đông người. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục - thể thao, nâng cao thể trạng. Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Lê Nam