35 năm đóng vai Bác Hồ

35 năm đóng vai Bác Hồ, cũng là 35 năm Tiến Hợi đồng hành bên người bạn đời của mình. Ấy là nữ Nghệ sỹ hóa trang Vương Đạm Thủy.

Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi sinh ra để đóng vai Bác Hồ và Nghệ sỹ Đạm Thủy sinh ra để hóa trang cho Tiến Hợi thành danh
35 năm đóng vai Bác Hồ, cũng là 35 năm Tiến Hợi đồng hành bên người bạn đời của mình - Nghệ sỹ hóa trang Vương Đạm Thủy.

Vương Đạm Thủy - qua đôi bàn tay điệu nghệ và tài hoa của mình, cùng cặp mắt gắn với tâm nghề sắc sảo, lòng kính trọng và biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ, để có thể “thổi hồn” vào nhân vật đóng vai Bác Hồ - được khán giả cả nước và quốc tế vinh danh…

Chị Đạm Thủy cho rằng: Từng nét tô điểm trên khuôn mặt của Nghệ sỹ Tiến Hợi, mỗi khi chị nhấc bút khai mở, cứ như thể được Bác về phù trợ, chỉ dạy, truyền năng lượng và cảm hứng sáng tạo, chị chỉ việc tiếp nhận đưa bút…

Khởi nghiệp - Tiến Hợi và Đạm Thủy cùng là lính Cụ Hồ, trong Đoàn nghệ thuật Trường Sơn (Quân khu II); sau đó cùng xuôi về công tác tại Nhà hát kịch Trung ương.

Chị Đạm Thủy, xưa nay sống khép kín. Chị đã từ chối tất cả mọi lời đặt vấn đề của giới truyền thông - muốn công khai trên mặt báo về những đóng góp cho thành công của các vai diễn, cũng như cuộc sống riêng tư bên người chồng là diễn viên nổi tiếng - Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi. Bởi họ biết, dường như tất cả các vai diễn về Bác Hồ, đều từ một tay chị hóa trang và chị nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của các đạo diễn.

Một hoạt cảnh Nghệ sĩ  Ưu tú Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ trên sân khấu
Một hoạt cảnh Nghệ sĩ  Ưu tú Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ trên sân khấu

Chị Đạm Thủy tâm sự về “thiên duyên” giữa hai anh chị mà tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục, thật khó có thể tin nổi:

“Trước là nói về anh - Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi: Quê cha ở Nghệ An, mẹ người Hà Nội, nhờ thế giọng nói của anh trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh là giọng pha Trung - Bắc, không cần lồng tiếng đã rất giống với giọng của Bác Hồ ngoài đời.

Anh ra mắt và nhập vai Bác Hồ ngay từ vở diễn đầu tiên “Đêm trắng” - đã nhận được liên tiếp những tràng vỗ tay của khán thính giả 3 miền. Từ đó, dường như mặc định Tiến Hợi là người số một làm nên hình tượng Bác… đương đại, ngót nửa thế kỷ qua.

Sau, nói về chị - Nghệ sỹ hóa trang Đạm Thủy: Quê cha ở làng Kim Liên, Nam Đàn, (là anh em họ đằng ngoại với Bác Hồ), mẹ người Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An. Ông thân sinh là cán bộ thuộc Bộ Xây dựng, được Nhà nước cử về công tác ở thành phố công nghiệp non trẻ. Ông đón bà ra và cùng xây dựng tổ ấm ở Việt Trì, Phú Thọ. Đến nay, theo con trai trưởng vô Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.

Một điều nữa thật ly kỳ, chị Đạm Thủy có ngày sinh 19/5, trùng với ngày sinh nhật Bác Hồ”.

Trong chuỗi tâm sự của mình, chị Đạm Thủy còn nói rằng:

“Chị không bao giờ quên năm đó - 1989, anh đang đóng phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, vào vai Nguyễn Tất Thành chuẩn bị rời Bến Nhà Rồng, xuống tàu, ra đi tìm đường cứu nước.

Cũng là thời điểm chị mang bầu cậu con trai lớn, thế là anh chị cùng thống nhất đặt tên con là Nguyễn Vương Thành (lấy họ của chị làm đệm cho con). Mà em biết không, bộ phim đó, anh Tiến Hợi và cô cháu gái Thu Hà là 2 diễn viên từng ‘khuấy đảo” làng phim trong nước, họ được ví như “cặp đôi đẹp nhất màn ảnh Việt” suốt mấy chục năm liền”…

Tôi thấy ánh mắt chị ngời sáng và đầy tự hào về chồng mình, trong mỗi lần nhắc nhớ những kỷ niệm nghề gắn bó bên anh như thế.

Và đúng là thiên duyên, lần sau, khi anh Tiến Hợi vào vai Bác Hồ, đóng phim “Hà Nội mùa đông năm 46”, nội dung bao chùm là Hồ Chủ tịch ra quyết định cho cách mạng lùi một bước, chuẩn bị rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị quân lương cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ… Chị lại trở dạ sinh con trai thứ, anh hào hứng bế cu cậu nhấc lên thật cao, ôm chặt rồi hôn lên má và gọi tên con là Vương Nam…

Chị Đạm Thủy mở smartphone và giơ cho tôi xem ảnh nền chụp tấm hình Tiến Hợi trang điểm sắp xong, Đạm Thủy đứng phía sau vuốt, chải kỹ mấy sợi tóc cho vào nếp. Chị nói với tôi: “Em nhìn này, anh mình sắp bước ra sân khấu đấy”…

“Ui, giống Bác Hồ quá ạ!” - tôi reo lên…

Chị Đạm Thủy bảo, nhóm VTV chụp trước giờ diễn và gửi tặng anh chị, anh Tiến Hợi rất ưng tấm hình này!

Chị Đạm Thủy bảo, nhóm VTV chụp trước giờ diễn và gửi tặng anh chị, anh Tiến Hợi rất ưng tấm hình này
Chị Đạm Thủy bảo, nhóm VTV chụp trước giờ diễn và gửi tặng anh chị, anh Tiến Hợi rất ưng tấm hình này

“Đúng là số trời đã định”…

Tôi có 3 lần gặp Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi, người chuyên đóng vai Bác Hồ và cả 3 lần đều ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trong các chuyến anh về chơi cùng mấy người bạn.

Tấm hình lưu niệm của tác giả cùng Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi tại Phú Thọ
Tấm hình lưu niệm của tác giả cùng Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi tại Phú Thọ

Với Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi, đạo diễn nổi tiếng Đặng Nhật Minh có nhận xét rất ấn tượng về anh:

“Có lẽ, bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” là một đóng góp của Tiến Hợi. Anh diễn chân thật và quan trọng là giống nhất trong cả ngoại hình lẫn tiếng nói. Đúng là số trời đã định. Đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải do Tiến Hợi đảm nhiệm, chứ không thể có ai khác”.

Cứ như đã quen nhau từ lâu, anh và tôi, ngay lần đầu gặp mặt, đã lập tức bén chuyện như không có hồi kết bởi những trao đổi về Bác Hồ, về tình yêu, về bạn bè, về cuộc sống, cứ như thể “tri kỷ trùng phùng”.

Sau những lần ấy, tôi cũng đã đưa ra lời nhận xét về anh mà lần nào nhắc lại với anh em bạn bè, những người đã từng gặp anh đều rất tán thưởng:

“Tiến Hợi dáng thanh, hơi trầm tính, từng điệu bộ cử chỉ luôn nghiêm ngắn”.

Theo suy diễn của tôi, anh đảm nhận đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng trăm lần trên sân khấu và phim trường, sao tránh khỏi phải hoàn thiện bản thân trong từng cử chỉ, hành động: Vầng trán rộng, ánh mắt sáng, thái độ khoan dung, đường hoàng chững chạc…

Là nghệ sỹ kịch và diễn viên điện ảnh, suốt nghiệp diễn của mình, Tiến Hợi đã luôn tròn vai trong mọi tuyến nhân vật được giao và cá nhân anh đã đạt đỉnh vinh quang trong sự nghiệp bằng chính vai diễn về Bác Hồ tôn kính.

Nay, nghe chị Đạm Thủy nói rằng, gần đây, chị đã phải liên tục từ chối lời mời của tất cả các đạo diễn về việc nhận trang điểm hình tượng Bác Hồ, do một số diễn viên khác thủ vai.

Chỉ tay lên trời, chị buông một câu:

“Sự nghiệp của anh Tiến Hợi đạt đỉnh, anh dừng lại, chị cũng dừng lại luôn”.

Nghe đến đó, tôi đã hơi nhanh miệng:

“Hay là… chị hãy mở lòng cho đỡ phí một tài năng bấy nay vẫn kín tiếng nơi hậu trường đi chị…”.

Khẽ xua tay, chị Đạm Thủy không nói gì thêm và cả 2 chị em tôi đã để xen vô một khoảng lặng giữa lần đặt vấn đề hơi vội vàng này của tôi.

Cũng chỉ vì đặt mình về phía khán giả, tôi thấy thật sự tiếc nuối khi thiếu một tay nghề hóa trang điêu luyện như Đạm Thủy, bởi điều đó sẽ đồng nghĩa với khó có thể gặp được một Bác Hồ thật Bác trên sân khấu nay mai.

Nhưng từ đó, tôi càng cảm phục chị và anh, về những điều quá lớn lao mà cả 2 người luôn muốn được hy sinh vì nhau, dành cho nhau trọn vẹn tâm nguyện trước sau. Đạm Thủy nói thêm:

“Chị chỉ cần anh, chị thấy anh cũng luôn giản dị nhất có thể, ngại va chạm, cả đời không xin xỏ cho riêng mình thứ gì. Anh luôn khiêm tốn, trước mọi thành tích đạt được, hòa nhã với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, người thân... Cho nên, đến ngay cả việc các tổ chức gợi ý làm hồ sơ đề nghị truy tặng Nghệ sỹ Nhân dân cho anh, chị cũng từ chối”.

Qua đó, ta có thể thấy: Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi sinh ra để đóng vai Bác Hồ và Nghệ sỹ Đạm Thủy sinh ra để hóa trang cho Tiến Hợi thành danh!...

Tác giả trò chuyện với chị Vương Đạm Thủy - Phu nhân của Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi tại tư gia
Tác giả trò chuyện với chị Vương Đạm Thủy - Phu nhân của Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi tại tư gia

Nguyễn Đình Ánh