Không gian văn hóa phố đi bộ TP. Thanh Hóa

Thanh Hoá - vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, luôn giữ vai trò trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Xứ Thanh là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam; quê hương của nhiều anh hùng dân tộc, văn thần, võ tướng nổi tiếng trong lịch sử và của nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc. Người Thanh Hóa giàu lòng yêu nước, hiếu học, có tinh thần đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, cần cù, sáng tạo, luôn có ý chí và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Với mục tiêu chung xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người Thanh Hóa, hướng đến các giá trị chân - thiện - mĩ, trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền trong tỉnh. Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, các cơ quan, đơn vị.

Xây dựng nền văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm sắc thái xứ Thanh. Tập trung đầu tư nguồn lực để văn hóa, con người phát triển toàn diện, là nền tảng vật chất và tinh thần vững chắc, thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; đến năm 2045, là tỉnh phát triển toàn diện và “kiểu mẫu” của cả nước.

Thanh Hóa đề ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: 100% các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thanh Hóa.

100% các trường học trong tỉnh tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thanh Hóa.

Xây dựng các thiết chế, công trình văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở theo huớng đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng mới một số công trình cấp tỉnh mang tầm cỡ của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, cụ thể:

Cấp tỉnh: Xây dựng Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Công viên văn hóa xứ Thanh, Cung văn hóa thiếu nhi; Sân vận động tỉnh đạt chuẩn, Nhà thi đấu đa năng và Khu thể thao dưới nước tầm cỡ khu vực, một số công trình hiện đại trong Khu Liên hợp Thể thao tỉnh theo quy hoạch.

Cấp huyện: 100% huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Sân vận động đạt chuẩn; xây dựng được 1 thiết chế văn hóa dành cho công nhân lao động tại khu công nghiệp gắn với khu nhà ở xã hội.

Cấp xã: 100% đơn vị hành chính cấp xã có cơ sở vật chất văn hóa cấp xã (Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Hội trường Văn hóa - Thể thao đa năng); trong đó có từ 20 đến 30% trở lên các xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn.

Ở thôn, tổ dân phố: 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao; trong đó, có từ 80% số thôn trở lên thuộc các huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng, ven biển và 60% số thôn, bản trở lên thuộc các huyện miền núi có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn.

100% địa phương thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các danh hiệu kiểu mẫu của tỉnh.

100% di tích đã được xếp hạng các cấp, bảo vật và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được bảo vệ theo đúng pháp luật, khoa học và phát huy giá trị hiệu quả. Lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận 1 di sản văn hóa Thế giới, ít nhất 1 di tích quốc gia đặc biệt. Hằng năm, có từ 2 đến 3 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

100% các đơn vị cấp huyện và tương đương xây dựng được nhà truyền thống hoặc phòng truyền thống đảm bảo theo quy định; 80% đơn vị hành chính cấp xã có phòng truyền thống; 100% các xã về đích Nông thôn mới kiểu mẫu có phòng truyền thống; 100% các đơn vị làm công tác bảo tồn, thư viện (cấp tỉnh, cấp huyện) thực hiện số hóa tài liệu, hiện vật có giá trị về đất và người Thanh Hóa...

Năng suất lao động, chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

90% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý và tham mưu lĩnh vực văn hóa ở cấp tỉnh; 75% trở lên cán bộ cấp huyện và 60% công chức văn hóa cấp xã có trình độ đại học trở lên chuyên ngành văn hóa, hoặc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Tầm nhìn đến năm 2045 : Xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, văn minh; tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, có nền văn hóa giàu sắc thái, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hiện đại, là một trong những trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước.

Thanh Hóa đề ra các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng , chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới. Đổi mới , nâng cao chất lượng , hiệu quả các hoạt động văn hóa; xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc , đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của Nhân dân. Tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững quê hương, đất nước.

Thường xuyên chăm lo xây dựng, phát triển, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ; tăng cường nguồn lực để nâng cao hiệu quả xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về xây dựng, phát triển văn hóa và con người...

An Nhiên