Mặt khác, việc đẩy mạnh phát triển sản xuất Trầm, mặc dù đang có được rất nhiều tâm huyết và kinh nghiệm, nhưng lại chưa có được những cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp để quá trình đó thành hiện thực.
Để góp phần giải quyết thực trạng trên, ngày 12/07/2022, tại Trung tâm Hội nghị - Nhà khách Văn phòng chính phủ số 10 Chu Văn An, Hà Nội đã diễn ra HỘI THẢO KHOA HỌC: NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN TRẦM HƯƠNG VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP do Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược Việt; Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý và Tạp chí Việt Nam Hội nhập phối hợp tổ chức.
Đây là hội thảo khoa học về Trầm hương của nước ta lần đầu tiên được tổ chức, với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, học giả có uy tín, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Trầm hương, cùng sự hiện diện của đông đảo các cơ quan báo chí, truyền hình, truyền thông; thể hiện sự quan tâm lớn về vấn đề phát triển Trầm hương.
Là một trong những loại lâm sản có giá trị thương mại Quốc tế nhất, Trầm hương là một trong những loài trong nhóm cây chứa tinh dầu mà tinh dầu ấy có thể làm được dược liệu, hương liệu và thực phẩm quí. Đặc biệt, nước ta lại là một quốc gia có tiềm năng, lợi thế rất lớn để có thể phát triển Trầm hương chất lượng cao và sản lượng lớn. Song, cho tới nay tiềm năng ấy vẫn chưa được khai thác và phát huy đúng mức, nước ta vẫn chưa có được thương hiệu về Trầm hương tương xứng với lợi thế có được… Nhằm tạo tiền đề tìm ra giải pháp phù hợp để phát triển ngành Trầm hương, mang lại giá trị kinh tế lớn và uy tín cao cho đất nước trong lĩnh vực này chính là lý do tổ chức hội thảo.
Các Tham luận được trình bày tại Hội thảo của GS.TS Hoàng Văn Sâm – Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam; PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược Việt, Nguyên Phó GĐ Bệnh viện y học cổ truyền Bộ Công An; ông Phạm Thanh Tùng - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp...trước hết tập trung khẳng định những giá trị quý của Trầm hương Việt, đồng thời nêu lên thực trạng hiện nay và đưa ra những giải pháp cụ thể cho sự phát triển của ngành Trầm hương hiện nay. Trong đó có những tham luận: Tình trạng và đề xuất giải pháp khoanh vùng bảo tồn, phát triển các loại Dó Bầu tự nhiên tại Việt Nam của Viện Điều tra quy hoạch rừng thực hiện; Ứng dụng của Trầm hương trong nhu cầu nghiên cứu và phát triển Y dược Việt của Viện Nghiên cứu phát triển Y dược Việt; Hiệu quả của Trầm hương trong lĩnh vực phát triển kinh tế mạnh mẽ ở vùng thuần Nông nghiệp của Viện Kinh tế du lịch Nông nghiệp…
Đặc biệt, từ góc độ chính sách, pháp luật và quản lý, Tham luận của Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý đã làm rõ những hạn chế và bất cập hiện nay liên quan đến cơ chế, chính sách để phát triển ngành Trầm hương; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị về chính sách và công tác quản lý để phát triển ngành Trầm hương Việt Nam, như: Nhà nước cần có chính sách cho vay vốn với lãi suất và thời hạn vay ưu đãi để khuyến khích sản xuất do mô hình trồng cây Dó Bầu để cấy tạo trầm hương cần thời gian dài (trên 10 năm) và tiêu tốn nguồn vốn lớn; Cần sự bảo hộ của nhà nước đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trầm hương ra nước ngoài; Có chính sách khuyến khích nghiên cứu công nghệ tạo trầm để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và có thể chuyển giao rộng rãi công nghệ tạo trầm; Có cơ chế hỗ trợ thông tin đầy đủ về thị trường trầm; Cần có các quy định cụ thể về chất lượng cây giống, hỗ trợ nghề nghiệp để người dân an tâm sản xuất…
Tại hội thảo, ông Lê Văn Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trầm hương sinh học TTT, đồng thời là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Trầm hương Việt Nam (trực thuộc Viện Y dược Việt) đã trình bày về “Giải pháp xanh cho ngành Trầm hương Việt Nam” - Công nghệ cấy tạo trầm hương TTT – Đục hộc và kích thích sinh học được thực hiện trên hàng trăm hecta dự án Dó Bầu thuộc sở hữu của công ty. Đây là phương pháp cấy tạo được đánh giá an toàn, có ảnh hưởng tích cực lên các quần thể cây Dó Bầu do không làm chết cây, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao do chủ động tạo ra được trầm hương, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn và duy trì loài cây quý này. Công nghệ tạo trầm sinh học hiện tại của Công ty TTT được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao, coi đây một giải pháp hiệu quả cho việc phát triển Trầm hương Việt Nam theo hướng bền vững.
Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến hữu ích của các đại biểu với những góc nhìn đa chiều, khách quan về thực trạng cũng như kiến nghị những giải pháp nhằm phát triển ngành Trầm hương Việt Nam đúng với tiềm năng, từng bước vươn ra thế giới. Rất đáng chú ý, trong đó có phát biểu của ông Rishi Firoz - Giám đốc phát triển kinh doanh tập đoàn Leading Performance Life University (LPU - Singapore), người mang tôn giáo Hồi và có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tiêu dùng và thương mại trầm hương, đã chia sẻ về tiềm năng của thị trường trầm hương thế giới khi nguồn cung ngày càng cạn kiệt và đắt đỏ, và bày tỏ mong muốn được hợp tác với các đơn vị có thể cung cấp nguồn sản phẩm trầm hương sạch với số lượng lớn.
Với hơn 3 tiếng đồng hồ diễn ra sôi nổi, Hội thảo khoa học: Nghiên cứu và Phát triển Trầm hương Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp đã thành công tốt đẹp, với việc đưa ra cái nhìn tổng quát về ngành Trầm hương Việt Nam, tạo cơ hội trao đổi ý kiến của các chuyên gia trong các ban ngành liên quan để đánh giá từ cơ sở lý luận tới thực tiễn những giá trị kinh tế, tiềm năng ứng dụng khoa học của Trầm Hương cũng như tính cấp thiết trong việc bảo tồn, phát triển loài cây Dó Bầu thông qua những cơ chế, chính sách phù hợp và công tác truyền thông tích cực, lan tỏa. Từ đó, thống nhất đưa ra được tiền đề xây dựng hành lang pháp lý và cơ sở lý luận về đánh giá chất lượng cũng như giúp phát triển mạnh mẽ ngành Trầm hương nước ta.
Hình ảnh ghi nhận:
PV