Theo số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước, 4 tháng đầu năm 2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng 2,2%, tương đương 220.270 tỷ đồng, lên trên 10,2 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong hơn 220.270 tỷ đồng nói trên, tiền gửi dân cư trong 4 tháng đầu năm nay chỉ tăng thêm hơn 120.000 tỷ - tương đương mức tăng 2,34%. Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với mức tăng 3,37% của 4 tháng đầu năm 2020.
Ngoài ra, lượng tiền gửi của dân cư trong 4 tháng đầu năm 2021 cũng thấp nhất so với cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây. Năm 2020, lượng tiền gửi của dân cư trong 4 tháng đầu năm khoảng 162.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 262.000 tỷ đồng...
Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 được xem là một trong những lý do cho lượng tiền gửi của dân cư trong 4 tháng đầu năm 2021 suy giảm. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiết kiệm xuống thấp cũng khiến cho việc gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất trở nên kém hấp dẫn với người dân.
Bên cạnh đó, người dân cũng tìm đến các kênh đầu tư hấp dẫn hơn, điển hình như chứng khoán.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến cuối tháng 5/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.440.000 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm 2020, tương đương 102,3% GDP. Dòng tiền vào thị trường chứng khoán bằng nhiều kênh khác nhau và chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, năm 2020 có tới 393.659 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước được mở mới, cao gần gấp đôi so với năm 2019.
Không dừng lại ở đó, chỉ 5 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020.
Tới cuối tháng 5, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam ở mức hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số. Dòng tiền mới chảy mạnh vào thị trường giúp thanh khoản đạt đến hàng tỷ USD mỗi phiên.
Trúc Mai