Nhà máy dừng hoạt động là không khí trong lành trở lại
Theo người dân thôn Tân Thịnh, năm 2002 nhà máy bắt đầu xây dựng, đến năm 2005 chính thức đi vào hoạt động. Mấy năm đầu, người dân phấn khởi vì giải quyết được việc làm cho lao động địa phương và thu mua sắn cho bà con quanh khu vực, giúp phát triển kinh tế, môi trường đảm bảo.
Nhưng từ khoảng năm 2009 trở lại đây thì cuộc sống của hơn 100 hộ dân Tân Thịnh bắt đầu bước vào cơn “ác mộng” kéo dài, bởi việc mở rộng sản xuất kéo theo hệ lụy nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ 6 cái hồ lắng chứa chất thải và bã sắn ngập tràn, luôn bốc mùi hôi thối nồng nặc bốc ngùn ngụt lên theo gió tấn công vào các hộ dân. Tiếp đến, là nguồn nước thải trực tiếp được tuồn chui ra môi trường khi chưa xử lý, khiến cho nguồn nước quanh khu vực bị ô nhiễm nặng nề.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân
Đầu tiên, khi trao đổi về thứ mùi “đặc sản” ám ảnh không chỉ từ đời sống sinh hoạt hàng ngày, mà ám ảnh cả vào tâm chí của người dân khiến họ lo lắng, sợ sệt như trường hợp của ông N (xin được giấu tên) năm nay gần 60 tuổi. Hơn nửa cuộc đời sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, chưa bao giờ ông cảm thấy cuộc sống lại khổ sở như bây giờ.
Thời điểm từ tháng 8 năm nay đến tháng 4 năm tiếp theo, điệp khúc cứ lặp đi, lặp lại khi Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân hoạt động là chứng bệnh đau đầu hành hạ ông đến vật vã, bởi hít phải thứ mùi hôi thối trộn lẫn từ mấy cái hồ lắng phát ra. Nhà ông và hàng trăm gia đình khác sinh sống ở đây chỉ cách khu bể lắng “khổng lồ” của nhà máy vài trăm mét và được ngăn cách bởi một u đất lớn đắp bao quanh.
Chất thải và bã sắn tại các hồ lắng của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân bốc mùi nồng nặc
Các hộ dân cho biết, huệ lụy nặng nề nghiêm trọng nhất là mỗi khi mưa xuống, nắng lên thứ mùi hôi thối bốc lên ngùn ngụt theo gió đông nam cuộn vào bao trùm cả khu vực. Thời điểm như vậy, thứ mùi “đặc sản” khủng khiếp như “bóp ngạt” cả bầu không khí quanh khu vực. Mùi hôi thối len lỏi sâu vào tận đời sống của các hộ dân từ bữa cơm, đến quần áo mặc trên người, thậm chí ám ảnh cả trong giấc ngủ...
“Cái mùi khủng khiếp ấy ám ảnh đến cả trong giấc mơ các chú ạ, khi gió cuộn mùi bay thốc vào nhà. Người già chúng tôi chẳng biết còn sống mấy nổi nên cố chịu vậy. Chỉ thương và lo cho mấy đứa con cháu, cứ hứng chịu cảnh ô nhiễm như vậy thì tương lai chúng biết ra sao?”, ông N bức xúc.
Theo những lời bộc bạc từ nhiều người dân trong thôn Tân Thịnh, đã gần 10 năm thời điểm họ mong đợi nhất trong một năm không phải Tết, mà là khoảng khắc hết vụ sắn, nhà máy ngừng hoạt động, bầu không khí trở nên trong lành.
Mùi hôi thối là chuyện không thể tránh khỏi
Người dân Tân Thịnh phản ánh về tình trạng “tuồn” trộm nước thải ra môi trường khi chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nghiêm trong nguồn nước tại địa phương này. Được biết, ngày 17/3/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 113/GP-UBND quyết định cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước.
Theo giấy phép xả thải của UBND tỉnh Thanh Hóa cấp, nước thải của công ty từ hồ sinh học số 6 chảy ra khe Quền với chế độ xả 2 lần/năm. Khi xả thải, nhà máy phải báo cáo Sở TNMT, UBND huyện Như Xuân, UBND xã Hóa Quỳ, quan trắc lưu lượng nước thải phải liên tục qua đồng hồ đo lưu lượng để xác định lưu lượng xả cho phép.
“Nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân thường xuyên lợi dụng thời điểm đêm tối, mưa to để xả thải trực tiếp xuống dòng sông Quền ngay phía sau nhà máy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước tại địa phương. Trước đây, khi nhà máy chưa hoạt động, sông Quền vẫn là địa điểm đánh bắt cá, tôm... của người dân quanh vùng, từ khi nhà máy xả thải ra sông thì số lượng thủy sản không còn nhiều nữa và nếu đánh bắt được cũng không thể ăn, vì cá, tôm có mùi hôi thối”, ông T (xin được giấu tên) có đất canh tác ngay phía sau khu hồ lắng và cống xả thải của nhà máy thông tin.
Hóa Quỳ là xã nông thôn mới, nhưng hầu hết các hộ dân thôn Tân Thịnh sinh sống xung quanh nhà máy đều không thể dùng được nước sinh hoạt tại giếng khoan, do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Để có nước sinh hoạt, cứ 3 – 5 hộ dân lại chung nhau một đường dây dẫn nước từ phía đầu suối cao về tận nhà. Đã có 3 hộ dân tại khu vực phía sau bể lắng phải di dời đi nơi khác ở do nước giếng khoan bị nhiễm mùi không thể dùng được.
Phía sau các hồ lắng là hàng trăm hộ dân thôn Tân Thịnh sinh sống
Những hệ lụy từ ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống, đã được nhiều người dân thôn Tân Thịnh đề xuất, kiến nghị lên chính quyền xã, huyện thông qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri. Nhưng sau mỗi lần như vậy, người dân đều nhận được sự thất vọng khi vấn đề không được giải quyết triệt để suốt gần 10 năm qua. Nhiều người trong số họ, khi tiếp xúc với phóng viên đã tỏ thái độ thất vọng: “Kiến nghị, phản ánh bao nhiêu năm mà có thấy kết quả gì đâu?”.
Thế nhưng, ngược lại với phản ánh của người dân thôn Tân Thịnh, ông Lê Phúc Hải, Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ cho biết, chỉ là do mâu thuẫn trong công việc nên một số hộ dân mới “tố” nhà máy gây ô nhiễm và mùi hôi thối là chuyện không thể tránh khỏi.
“Ông Hạnh điện thoại cho tôi, nói do một số người ở thôn ấy làm việc trong công ty không hiệu quả, ông Hạnh cho nghỉ nên phản ánh như vậy. Đối với nhà máy thì mình không nói, anh em cũng biết, kể cả mình vò một hai bò gạo để qua đêm là đã có mùi. Trước đây thì mạnh vì sắn nhiều chứ bây giờ thì giảm rồi. Còn mùi chỗ bể lắng thì không thể tránh khỏi, mùi hôi lan tỏa xung quanh”, ông Hải nói.
PV sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.
Thuấn Nguyễn