Sáng ngày 22/8, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc; lãnh đạo các địa phương và 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo các địa phương đã tới tham dự phiên khai mạc ngày hôm nay.
Và đặc biệt, Hội nghị vui mừng chào đón 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã không quản đường sá xa xôi và công việc bận rộn tề tựu về đây, mang theo tình cảm và tiếng nói tâm huyết của mình đối với quê hương, đất nước.
Bộ trưởng Ngoại giao cũng xin gửi lời chào nồng ấm từ quê nhà tới hàng triệu kiều bào trên toàn thế giới đang theo dõi phiên khai mạc Hội nghị và Diễn đàn qua các nền tảng trực tuyến.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã được tổ chức 3 lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 đại biểu kiều bào từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cùng đại diện lãnh đạo của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước.
Giới thiệu và quảng bá đất nước là ý thức, trách nhiệm và niềm tự hào của người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Bên cạnh đóng góp về tài lực, trí tuệ, NVNONN còn là những sứ giả đưa Việt Nam ra thế giới và mang thế giới đến gần Việt Nam hơn.
Là một nghệ sĩ Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước Nga, anh Nguyễn Khắc Hòa cho rằng vai trò sứ giả văn hoá ở nước ngoài rất quan trọng.
Anh chia sẻ: “Bạn bè khắp nơi trên thế giới khi giao tiếp với mỗi người Việt sẽ có cái nhìn về chung về con người và văn hoá Việt Nam. Thậm chí, chỉ qua những hoạt động và ứng xử bình thường, chúng ta cũng có thể thu hút được sự quan tâm của các bạn về đất nước mình. Thực tế, có những người bạn khi tiếp xúc với tôi, họ rất tò mò về Việt Nam. Từ đó, họ bắt đầu có những chuyến đi Việt Nam từ ngắn hạn và dài hạn”.
Bởi vậy, theo anh Hoà, mỗi NVNONN hãy giống như một trạm phát về văn hoá Việt đến quốc tế. Anh tin rằng nếu mỗi người đều có chung suy nghĩ như vậy thì sẽ tạo sẽ công cụ tuyệt vời và hiệu quả để truyền bá và trao đổi văn hoá với Việt Nam.
Nam nghệ sĩ cho biết thêm: “Sinh sống ở nước ngoài nhưng bản thân tôi luôn ý thức về nguồn cội, dòng máu đang chảy trong mình là Việt Nam và trái tim hướng về Tổ quốc. Trong các hoạt động giao lưu nghệ thuật ở các nước, tôi luôn tranh thủ giới thiệu với các bạn quốc tế về nét đẹp âm nhạc dân gian Việt Nam như hát Quan họ, hát Chầu Văn, hát Chèo…
Tôi biết những hành động của mình dù nhỏ bé cũng có ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn như luận án Tiến sĩ mà tôi đang thực hiện cũng viết về opera Việt Nam cũng có thể được coi như một công cụ mà để đưa văn hoá Việt Nam ra nước ngoài ở mức độ nghiên cứu. Bên cạnh đó, những dự án âm nhạc hợp tác với nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá văn hoá Việt Nam ra thế giới”.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ sự tự hào khi thấy cộng đồng có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong đó, số người có trình độ Đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người. Ở hầu hết các địa bàn có người Việt sinh sống đều đã thành lập tổ chức hội đoàn. Các hội doanh nhân, hội chuyên gia, trí thức người Việt thường xuyên có các hoạt động kết nối với trong nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp, liên kết người Việt cả ở trong và ngoài nước.
Kiều bào ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội sở tại. Một số người gốc Việt đã tham gia sâu vào hệ thống chính trị sở tại ở các cấp; nhiều doanh nhân người Việt nằm trong danh sách các tỷ phú của thế giới; nhiều chuyên gia, trí thức, văn nghệ sỹ kiều bào được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế, góp phần làm rạng danh cơ đồ và vị thế Việt Nam.
Đồng thời, kiều bào cũng là một trong những cầu nối, đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa sở tại và quê hương đất nước.
Đặc biệt, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ.
Bộ trưởng khẳng định, với sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và mọi người dân, trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
PV/baoquocte.vn