THCLTàu Royal 45 (trọng tải 4.374 DWT) của chủ tàu Việt Nam hiện đứng trước nguy cơ bị tòa án Singapore bán phát mại nếu không nộp 408.000 USD tiền bảo lãnh. Phía chủ tàu đã sẵn sàng chi tiền bảo lãnh và cầu cứu các bên liên quan giúp đỡ “giải cứu” tàu bị bắt giữ ở nước ngoài.

Tại cuộc họp sáng 7/5, Cục Hàng hải Việt Nam đã mời đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Vinalines… để tìm cách giải phóng tàu Royal 45. Con tàu này đã bị tòa án Singapore ra lệnh bắt giữ từ ngày 27/1/2015. Hơn 3 tháng qua, con tàu cùng với 9 thuyền viên trên tàu đã gần như bị “giam lỏng” trong điều kiện thiếu thốn thực phẩm, sức khỏe và tinh thần bị ảnh hưởng…

Bị bắt vì tàu của ALC 2

Đại diện chủ tàu đã không kìm được nước mắt khi nhắc tới tình cảnh của 9 thuyền viên đang ở trên tàu Royal 45. Hiện nay, chủ tàu - Công ty CP dịch vụ hàng hải Phía Nam vẫn phải cung cấp tiền để duy trì cuộc sống cho thuyền viên và vận hành tàu phải nằm bờ. Đến nay, chủ tàu đã phải mất tới 150.000 USD để trang trải nhiều chi phí, bình quân 2.000 USD/ngày, bao gồm: phí neo đậu tàu 50.000 USD, chi phí ngày tàu cố định 42.000 USD, chi phí thuê luật sư nước ngoài để theo đuổi vụ kiện tại Singapore là 30.000 USD cùng các chi phí khác…

Chưa kể, chủ tàu ước tính bị thiệt hại tới 5 tỷ đồng doanh thu, các chi phí lãi vay ngân hàng (khoản nợ vay 14 tỷ đồng)… do tàu bị bắt giữ.

“Công ty đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan liên quan để cứu giúp con tàu của chúng tôi. Vì công ty mua tàu từ Công ty cho thuê tài chính ALC2 là hợp pháp, đã đăng kí chủ sở hữu mới. Việc mua tàu này là giúp ALC 2 thu hồi vốn, xử lý nợ xấu. Phía tòa án Singapore ra lệnh bắt giữ tàu là oan cho công ty”- Vị đại diện chủ tàu trình bày.

Trước đó, ngày 2/4/2015, Công ty Hàng Hải Phía Nam đã có đơn gửi nhiều cơ quan chức năng can thiệp giúp đỡ, như: Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng Hải Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Hải Phòng, Ngân hàng Agribank.

Chủ tàu Royal 45 chấp nhận chi 408.000 USD tiền bảo lãnh để cứu tàu

Theo chủ tàu, tàu Royal 45 (tên cũ là Seamen) là tài sản bán đấu giá của ALC2, đã bị thu hồi từ bên thuê tàu – Công ty vận tải biển Hoàng Long. Tuy nhiên, năm 2012 đã xảy ra vụ đâm va giữa tàu Imextrans (cùng thuộc sở hữu của ALC 2, cho một công ty vận tải biển thuê) và Taiping (HongKong). Nhưng, chủ tàu Taiping không có kháng cáo hàng hải mà khởi kiện ALC 2 ra tòa án TP.HCM.

Khi tòa án chưa xét xử, chủ tàu Taiping đã rút hồ sơ, chuyển sang tòa án Singapore thụ lý và tòa án đã ra lệnh bắt giữ tàu Royal 45. Việc bắt giữ tàu thực hiện theo Luật hàng hải của Anh trong trường hợp: “bắt tàu chị em” có cùng chủ sở hữu” để yêu cầu trách nhiệm trong tranh chấp hàng hải.

Trước tình cảnh “tai bay vạ gió”, Công ty Hàng hải Phía Nam đã tự lo chi phí thuê luật sư của Singapore để bảo vệ quyền lợi, tìm cách giải phóng tàu Royal 45 sớm nhất. Theo luật sư, cách giải cứu nhanh nhất là chủ tàu phải nộp khoản tiền cọc bảo lãnh là 309.000 USD và có tổ chức uy tín bảo lãnh (Hiệp hội chủ tàu Anh, công ty mua bảo hiểm…). Hiện, số tiền bảo lãnh đã tăng lên 408.000 USD (khoảng hơn 8 tỷ đồng).

Nếu quá hạn nộp tiền bảo lãnh (ngày 4/5/2015), tòa án sẽ tiến hành phát mại con tàu để chi trả các chi phí phát sinh ở phía Singapore liên quan đến yêu cầu khởi kiện của chủ tàu Taiping.

Tuy nhiên, hết thời hạn này, chủ tàu đã chuẩn bị đủ số tiền bảo lãnh nhưng lại không thể nộp tiền cho tòa án Singapore vì không có ai bảo lãnh!

Bảo hiểm “bỏ rơi” chủ tàu

Tại cuộc họp, ông Đỗ Đức Tiến, Phó Cục trưởng cho biết vừa nhận được đơn đề nghị của Công ty Hàng hải Phía Nam. Song, chủ tàu chưa cung cấp đủ các hồ sơ pháp lý về tàu, các thủ tục liên quan để theo đuổi vụ kiện ở nước ngoài. Theo ông Tiến, trong tình hình cấp bách, mục tiêu trước mắt là phải giải cứu tàu cho doanh nghiệp, tránh bị phát mại. Còn vụ kiện tranh chấp xảy ra tại ALC 2 mà tàu Royal 45 bị bắt sẽ xử lý sau.

Hiện, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản hỏa tốc gửi Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị chỉ đạo cơ quan sứ quán Việt Nam tại Singapore sớm can thiệp, hỗ trợ giải phóng tàu Royal 45.

Ông Bùi Việt Hoài, đại diện cho Tổng công ty Vinalines đã chia sẻ kinh nghiệp “giải cứu” tàu biển Việt Nam bị bắt giữ ở nước ngoài. Trước đó, năm 2013, tàu Vinalines Queen (do Chi nhánh Vinalines Phía Nam quản lý) đã bị bắt giữ tại Trung Quốc do tranh chấp của một tàu khác cùng thuộc Vinalines. Sau nỗ lực giải cứu, con tàu đã thoát án bắt giữ với chi phí bảo lãnh hơn 800.000 USD.

Theo ông Hoài, cách nhanh nhất là đơn vị bảo hiểm đứng ra bảo lãnh và chủ tàu nộp khoản tiền đặt cọc là giải phóng ngay tàu. “Tôi không hiểu sao phía bảo hiểm xử lý lâu thế. Chúng tôi chỉ làm vài ngày là xong (thủ tục giải phóng tàu - PV”- Ông Hoài băn khoăn.

Đại diện Công ty Hàng hải Phía Nam cho biết, đã làm việc với Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Hải Phòng để xin hỗ trợ đứng ra bảo lãnh. Thời gian qua, công ty đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu cho toàn bộ đội tàu tại đây. Tuy nhiên, phía Bảo Việt Hải Phòng không đủ thẩm quyền, phải trình Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt quyết định.

“Tôi đã gặp một lãnh đạo Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt để xin giúp đỡ cứu tàu. Nhưng sau đó, không hiểu vì sao lãnh đạo này đã không nghe điện thoại, cũng không giúp đỡ công ty”- Đại diện chủ tàu nói, bức xúc khi công ty bị đơn vị bảo hiểm “bỏ rơi” khi gặp khó khăn, sắp mất trắng con tàu trị giá hơn 21 tỷ đồng.

Để tự cứu mình, chủ tàu đã gom đủ 408.000 USD và đến ngày 7/5, đang chờ được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chuyển tiền sang Hiệp hội chủ tàu Anh để đứng ra bảo lãnh cứu tàu.

Ông Võ Thanh Bình, đại diện Cục lãnh sự Việt Nam cũng xác định: “Việc ưu tiên ngay là phải giải phóng tàu bằng mọi cách, sau đó mới củng cố hồ sơ, tài liệu để bác phán quyết bắt giữ tàu oan sai. Đại sứ quán sẽ có hành động hỗ trợ cụ thể”.

Quốc Dũng