Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama và Tổng Bí thư Đỗ Mười trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ 18 – 19/4/1995. Ảnh: TTXVN
Ông có công nối lại quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ với Mỹ… Người “nhạc trưởng” ấy đã mở ra thời kỳ mới cho đối ngoại Việt Nam.
Cuộc gọi lúc 2 giờ sáng
Trong bài viết “Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước” đăng trong cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” của NXB Chính trị quốc gia - Sự thật (2012), tác giả Diệu Ân ghi lại những chia sẻ của nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), ông Nguyễn Mạnh Cầm được cử làm Đại sứ tại Liên Xô. Tháng 4/1987, ông sang Mátxcơva nhận nhiệm vụ thì tháng 5/1987, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta do đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư và đồng chí Đỗ Mười - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dẫn đầu sang thăm và làm việc với lãnh đạo Liên Xô.
Lúc đó, đất nước ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Qua đàm phán, lãnh đạo Liên Xô quyết định dành cho ta khoản viện trợ 1,2 tỉ rúp chuyển nhượng (1 rúp chuyển nhượng có giá trị gần bằng 1 đôla rưỡi).
Sau khi đoàn về nước, các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm theo dõi và đôn đốc bạn giao hàng đáp ứng yêu cầu của ta. Song, thường việc giao hàng không tránh được sự chậm trễ. Với tư cách người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Đỗ Mười nắm rất vững yêu cầu của ta và theo dõi rất sát tiến độ giao hàng của bạn, nhất là đối với thiết bị, vật tư thiết yếu và hàng hóa quan trọng.
“Chính nhờ sự đốc thúc của đồng chí mà tôi được đồng chí Guxép - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Chủ nhiệm phân ban hợp tác với Việt Nam - nhận xét: ‘Nhờ sự nhắc nhở kịp thời của Đại sứ Việt Nam mà phân ban của tôi thực hiện tốt các cam kết với Việt Nam, nhất là trong tình hình các đồng chí đang gặp rất nhiều khó khăn’. Thực tình phải nói đó là nhờ sự quan tâm của đồng chí Đỗ Mười” - ông Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại.
Chuyến thăm lịch sử trọng đại đến Trung Quốc
Đầu tháng 8/1991, ông Nguyễn Mạnh Cầm kết thúc nhiệm kỳ đại sứ tại Liên Xô về nước nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đầu tháng 11/1992, nhận lời mời của BCH T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa, đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm Trung Quốc.
Một cuộc đi thăm có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu việc bình thường hóa quan hệ chấm dứt hơn 10 năm quan hệ căng thẳng, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc.
Hai bên trao đổi ý kiến về những biện pháp, những việc làm cụ thể để cho quan hệ nhanh chóng trở lại bình thường. Cụ thể là tiến tới ký kết hiệp định về biên giới trên bộ trước năm 2000 để xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị giữa hai nước khi bước vào thế kỷ XXI. Thực hiện việc phân định vịnh Bắc Bộ một cách công bằng, hợp lý, chậm nhất là vào năm 2000.
Đối với những vấn đề ít nhiều phức tạp do lịch sử để lại khó có thể giải quyết một sớm một chiều thì lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai Chính phủ thỏa thuận giải quyết từng bước trên tinh thần đồng chí, láng giềng hữu nghị vì lợi ích của hai Đảng, hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Theo laodong.vn