Nêu ý kiến với hồ sơ xây dựng Luật, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu quy định theo hướng xác định rõ phạm vi độc quyền nhà nước trong lĩnh vực lưới điện truyền tải và phạm vi khu vực tư nhân được phép đầu tư nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn điện lực.

Điều này nhằm đẩy mạnh việc thu hút các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, giảm áp lực đầu tư đối với nguồn vốn Nhà nước đồng thời tạo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác.

Dẫn các quy định pháp luật, Bộ Công Thương cho biết các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải "do mình đầu tư xây dựng”.

"Luật Điện lực không quy định phạm vi độc quyền nhà nước trong đầu tư lưới điện truyền tải", Bộ Công Thương khẳng định.

Luật Điện lực không quy định phạm vi độc quyền nhà nước trong đầu tư lưới điện truyền tải
Luật Điện lực không quy định phạm vi độc quyền nhà nước trong đầu tư lưới điện truyền tải

Cũng theo Bộ Công thương, sau khi Luật số 03/2022/QH15 ban hành, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BCT ngày 30/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BCT ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện để làm cơ sở cho các đơn vị tư nhân khi tham gia vai trò là Đơn vị truyền tải điện như đơn vị ngành điện sẽ đảm bảo thu hồi đủ chi phí hợp lệ và có lợi nhuận cho phép để vận hành lưới truyền tải điện đạt chất lượng quy định và đáp ứng các chỉ tiêu tài chính cho đầu tư, phát triển lưới truyền tải điện. Do đó, yếu tố giá truyền tải là vấn đề chính để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải.

Ngoài ra, theo quy định Luật Quy hoạch, sau khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ lập Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định danh mục dự án gồm sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn khác ngoài đầu tư công.

“Do đó, không chỉ riêng dự án lưới điện truyền tải mà tất cả các dự án điện (gồm nguồn và lưới) sẽ cần đánh giá trên cơ sở nguồn lực của nhà nước (thông qua các Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước) và các tiêu chí khác (nếu có) để xác định các dự án nào do nhà nước hay tư nhân thực hiện trong thời kỳ quy hoạch, nhằm đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn điện lực.”, Bộ Công Thương giải thích.

Trong một ý kiến khác đóng góp cho Hồ sơ xây dựng Luật Điện lực, Bộ Tài chính đề nghị rà soát, đánh giá thực trạng vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các chính sách quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực như: Lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án thuộc danh mục trong Quy hoạch đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án điện; Việc triển khai các dự án lưới điện đi qua địa bàn nhiều tỉnh/thành phố; Tình trạng nhiều nhà đầu tư đề xuất bổ sung quy hoạch các dự án điện không trong thời kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch dẫn đến phá vỡ tính ổn định của quy hoạch...

“Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi các chính sách đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ cũng như hiệu lực, hiệu quả trong quá trình quản lý quy hoạch và đầu tư các dự án điện.”, Bộ Tài chính kiến nghị.

Với ý kiến này, Bộ Công Thương cho biết, nội dung đánh giá thực trạng vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các chính sách quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực như ý kiến của Bộ Tài chính đã được nêu cụ thể tại Phần III Báo cáo tổng kết thi hành Luật Điện lực. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã đề xuất một số cơ chế để tăng cường quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, đầu tư các dự án điện tại Chính sách 01 và Chính sách 03. Trong đó, các quy định thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển điện lực đề xuất tại Luật Điện lực đã rà soát để không chồng lấn với các quy định tại Luật Quy hoạch.

Thiên Trường