Cổ phiếu "vua" trượt dài
Chia sẻ tại Hội nghị nhà đầu tư thường niên - Invest Asean 2022 của Maybank, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital nhận định: "Đã khá lâu rồi tôi mới nhìn thấy định giá nhiều doanh nghiệp cơ bản tốt về mức rẻ như hiện nay, những cổ phiếu đầu ngành có P/E hay thậm chí P/B rẻ nhất trong lịch sử".
SHS đánh giá, định giá của thị trường hiện đang ở mức hấp dẫn với khoảng 13 lần trên cả hai chỉ số VN-Index và VN30. Nếu xét trên triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 cũng như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên sàn dự kiến có thể đạt trên 20% trong năm nay thì đây là mức định giá hấp dẫn trong dài hạn.
Theo FiinGroup, định giá của nhóm tài chính đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 03 năm. Chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm này là cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thì thường xuyên chìm trong sắc đỏ. Thị giá của hàng chục cổ phiếu chia đôi trong thời gian ngắn. Đà giảm "quét sạch" cổ phiếu chứng khoán khỏi nhóm vốn hoá tỷ đô. Thời kỳ "bán là thua, mua là thắng" không còn, nhà đầu tư càng nắm giữ những mã từng được mệnh danh "cổ phiếu vua", thì tài khoản càng mỏng đi theo thời gian.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, việc kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn tín dụng vào bất động sản, thanh tra trái phiếu ngân hàng tại các ngân hàng, lo ngại nợ xấu gia tăng và áp lực lạm phát đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư, khiến nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng được chiết khấu về mức khá hấp dẫn.
Hàng chục nhà băng có mức giá trên lợi nhuận (P/E) dưới 10: CTG, STB, TPB, ACB, HDB, VPB, VIB, MBB, TCB, MSB, OCB, SHB…
Xu hướng giảm điểm ngắn hạn có duy trì?
Không chỉ ngân hàng, mà các nhóm cổ phiếu lớn, thanh khoản cao như bất động sản, chứng khoán, thép, … cũng tiếp tục giảm giá sâu, về vùng thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Tuy vậy, dòng tiền không mặn mà “bắt đáy”. Với những biến động tiêu cực liên tục gia tăng ở các thị trường lớn, chu trình tăng lãi suất, động thái kiểm soát chặt chẽ hơn từ các NHTW trên thế giới, mối lo lạm phát, thanh khoản yếu, thiếu thông tin hỗ trợ, … chứng khoán chưa tìm được động lực đi lên.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì thị trường vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro trước những biến số khó lường về lạm phát và việc tăng lãi suất.
Đánh giá về yếu tố lạm phát tại Việt Nam, bà Lam phân tích, việc giá hàng hóa, biến động giá dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến chi phí hàng hóa tăng cao có thể khiến lạm phát tăng cao và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước sắp tới. Chính vì vậy, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ có phản ứng tiêu cực đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới.
Đặc biệt, nhà đầu tư cần chú ý trong ngắn hạn, thị trường sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi lạm phát không rõ đã đạt đỉnh hay chưa, và chu trình tăng lãi suất vẫn còn. Do đó, rủi ro trong ngắn hạn vẫn còn khá nhiều, việc mua bán trong hiện tại không nên FOMO mà cần sự tìm hiểu, phân tích kỹ doanh nghiệp.
Bà Lam khuyến cáo, nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng thanh khoản thị trường sẽ phục hồi về mức cũng như năm 2021, đặc biệt là trong ngắn hạn.
Theo chuyên gia, giai đoạn này không phải là lúc "ăn xổi" mà là giai đoạn chắt lọc để tìm ra cơ hội trong trung và dài hạn. Đặc biệt, nhà đầu tư nên tránh việc đầu tư dàn trải trong bối cảnh lãi suất đang trong xu hướng tăng.
Với diễn biến hiện tại của thị trường, giới phân tích nhận định, xu hướng giảm điểm ngắn hạn vẫn đang duy trì. Trong những phiên giao dịch sắp tới, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng khi các yếu tố vĩ mô quốc tế đang có xu hướng thắt chặt, sẽ gây tác động tiêu cực phần nào đến nền kinh tế nội địa.
Trên góc độ phân tích kỹ thuật, nhóm phân tích của Chứng khoán SHS đưa ra, thị trường đã bước vào sóng điều chỉnh sau khi đánh mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong phiên 10/06. Và theo lý thuyết, thì mục tiêu của sóng điều chỉnh là quanh ngưỡng 1.130 điểm.
Tuy vậy, nếu bên mua trở nên chủ động hơn và bên bán suy yếu thì không loại trừ khả năng, thị trường có thể sớm hồi phục để hướng đến ngưỡng tâm lý 1.300 điểm sau khi đã test thành công lực cầu dưới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong hai phiên 15/06 và 17/06.
Tuần qua, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HoSE đi ngang, đạt 16.298 tỷ đồng, Theo số liệu từ FiinGroup, dòng tiền tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30, giảm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa nhỏ. Điều này cho thấy áp lực bán cổ phiếu VN30 mạnh hơn khi VN-Index điều chỉnh mạnh trong tuần.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước và tự doanh bán ròng, trong khi tổ chức trong nước và khối ngoại mua ròng. Cụ thể, khối ngoại mua ròng 964 tỷ đồng trên HoSE. Top cổ phiếu mua ròng khớp lệnh tuần này của nước ngoài gồm HPG, GAS, DPM, VHM, GMD. Như vậy họ tiếp tục mua ròng nhóm hóa chất DPM, và đáng chú ý là chuyển vị thế mua ròng HPG. Ngược lại, họ bán ròng tập trung vào FUEVFVND, DGC, VIC, MWG, NLG. Nước ngoài cũng đổi vị thế với Chứng chỉ quỹ FUEVFVND từ mua ròng tuần trước sang bán ròng. Nhà đầu tư cá nhân chuyển bán ròng 2.455 tỷ đồng trên HoSE. Họ mua ròng khớp lệnh mạnh nhất DGC, MWG, VIC, FUEVFVND, NT2.
Đối lập với khối ngoại, cá nhân trong nước bán ròng khớp lệnh nhiều nhất là HPG, GAS, DPM, DCM, VHM. Tự doanh: bán ròng 121 tỷ đồng trong tuần tính, tập trung vào TCB, VPB, FPT, MWG, ACB. Ngược lại, họ mua ròng DPM, GAS, DCM, TDM, IJC.
Theo Tiền Phong