1. Quảng cáo là gì?
Quảng cáo là hoạt động truyền thông nhằm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, hoặc thương hiệu đến công chúng với mục tiêu tạo sự chú ý, thu hút khách hàng và thúc đẩy hành động mua sắm.
Đây là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp, giúp xây dựng và nâng cao hình ảnh thương hiệu, cũng như gia tăng doanh số bán hàng.
Ví dụ quảng cáo:
- Truyền hình: Đoạn phim ngắn về sản phẩm phát trên kênh truyền hình giờ vàng, như quảng cáo Pepsi trong mùa World Cup.
- Mạng xã hội: Bài đăng hoặc video trên Facebook, Instagram, TikTok, thường hợp tác với người nổi tiếng để tăng sức ảnh hưởng.
- Google Ads: Quảng cáo xuất hiện đầu trang kết quả tìm kiếm, ví dụ khi tìm "mua điện thoại giá rẻ."
- Ngoài trời: Bảng quảng cáo trên đường phố, xe buýt, như quảng cáo thời trang Zara ở trung tâm thương mại.
- Email: Email giới thiệu sản phẩm, chương trình khuyến mãi, ví dụ Shopee giảm giá ngày 11/11.
Theo quy định của pháp luật, quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân (khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012).
Trên đây là giải đáp thắc mắc “Quảng cáo là gì? Ví dụ về quảng cáo?”. Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo.
File zip Luật Doanh nghiệp 2020 và toàn bộ hướng dẫn còn hiệu lực |
Quảng cáo là gì, Luật Quảng cáo 2024 và các văn bản hướng dẫn mới nhất (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
2. Luật Quảng cáo 2024 và các văn bản hướng dẫn mới nhất
Luật Quảng cáo đang có hiệu lực năm 2024 là Luật Quảng cáo 2012. Dưới đây là tổng hợp các văn bản hướng dẫn, sửa đổi Luật Quảng cáo 2012 mới nhất:
2.1. Văn bản hướng dẫn Luật Quảng cáo 2012
(i) Thông tư 04/2023/TT-BVHTTDL quy định định mức kinh tế - kỹ thuật cho lập và điều chỉnh quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
(ii) Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo 2012.
(iii) Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
(iv) Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL hướng dẫn thực hiện Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 181/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
(v) Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo 2012.
(vi) Công văn 2310/BVHTTDL-VHCS năm 2013 thực hiện Luật Quảng cáo 2012 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
2.2. Văn bản hợp nhất Luật Quảng cáo 2012 và các văn bản sửa đổi
Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH năm 2018 hợp nhất Luật Quảng cáo do Văn phòng Quốc hội ban hành.
2.3. Văn bản sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo 2012
(i) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025)
(ii) Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
3. Hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ nào bị cấm quảng cáo?
Căn cứ Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 (được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 72 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025), các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo bao gồm:
(i) Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
(ii) Thuốc lá.
(iii) Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
(iv) Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
(v) Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
(vi) Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
(vii) Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các loại sản phẩm, hàng hoá có tính chất kích động bạo lực.
(viii) Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
Trên đây là toàn bộ thông tin về “Quảng cáo là gì? Ví dụ về quảng cáo? Luật Quảng cáo 2024 và các văn bản hướng dẫn mới nhất”.
H. Thủy (Nguồn: thuvienphapluat.v)