Đi đầu trong đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Thực tế cho thấy, với những hợp tác xã làm ăn hiệu quả, việc đảm bảo quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động đã được chú trọng. Đơn cử, tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang), năm 2016, tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, ông Hoàng A Páo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, đã đầu tư vốn và giống phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với 3 nhóm ngành nghề chính: Chế biến, chưng cất rượu gắn với chăn nuôi; nuôi ong, chế biến mật ong; thu mua nông sản, cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp, con giống.
Sau 06 năm, hợp tác xã đã đưa ra thị trường những sản phẩm sạch, có uy tín và chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao đời sống, thu nhập của thành viên, người lao động trong hợp tác xã.
Số lao động thường xuyên tại hợp tác xã tham gia đóng bảo hiểm xã hội chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Ông Páo chia sẻ: Hiện nay, doanh thu của Hợp tác xã đạt khoảng 03 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và đóng bảo hiểm xã hội cho 12 lao động thường xuyên, 24 thành viên; đồng thời giải quyết cho trên 100 lao động mùa vụ, với thu nhập bình quân trên 05 triệu đồng/người/tháng.
"Tôi mong muốn, thời gian tới sẽ bao tiêu các sản phẩm cho bà con và tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng, góp phần quảng bá thương hiệu đặc sản quê hương. Từ đó, Hợp tác xã tạo thêm nhiều việc làm và đóng bảo hiểm xã hội cho các lao động và thành viên hợp tác xã khác”, Chủ tịch Hợp tác xã Tả Lủng tâm sự.
Hay đối với Hợp tác xã Rạch Gầm, sau 42 năm thành lập xây dựng sản xuất, kinh doanh và phát triển đến nay, Hợp tác xã đã trở thành một đơn vị vận tải đường sông kinh doanh đa ngành, có quy mô lớn về tổng trọng tải đội tàu, khối lượng và sản lượng vận tải, doanh thu và lực lượng lao động có tay nghề cao. Lực lượng cán bộ, thuyền viên (Thuyền, máy trưởng quốc gia, thủy thủ), công nhân, nhân viên có 455 người. Tất cả lao động đều được đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo các quyền lợi về lao động, phúc lợi xã hội…
Đây là những minh chứng rõ nét nhất cho câu chuyện nếu hợp tác xã làm ăn hiệu quả, quyền lợi của người lao động, thành viên sẽ được đảm bảo. Bởi thực tế, theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Hợp tác xã thuộc nhóm phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động có tiền công, tiền lương, gồm: Người quản lý, điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (chỉ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Nghiên cứu điều chỉnh chính sách phù hợp
Tuy nhiên, không nhiều hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội do đa phần sử dụng lao động tự do, thời vụ. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, vào năm 2020, số hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là trên 7.400 đơn vị chiếm khoảng 28,6% số hợp tác xã, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc hợp tác xã là trên 41.500 người, thực tế chỉ chiếm dưới 2% số lao động thường xuyên tại hợp tác xã.
Mặc dù trong giai đoạn 2016-2020 vừa qua, Nhà nước đã ban hành, sửa đổi nhiều chính sách bảo hiểm xã hội nhằm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong hợp tác xã, nhưng số người thuộc khu vực hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội vẫn còn khiêm tốn so với số thành viên, số lao động làm việc thường xuyên tại các đơn vị này.
Để khắc phục những hạn chế nói trên, bên cạnh việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội với hợp tác xã, người lao động, thành viên hợp tác xã, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội phù hợp với nhóm đối tượng tại các đơn vị này; Rà soát, nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/05/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phù hợp, tăng tính hấp dẫn để thu hút sự tham gia của người lao động trong khu vực hợp tác xã gắn với đặc thù của khu vực này là nhiều việc làm không chính thức, thu nhập không ổn định.
Đáng chú ý, việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng cũng là nội dung đề cập tại Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII ban hành.
Theo đó, Nghị quyết 20 đặt ra yêu cầu thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật; Các thành viên khác không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tạo điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thái Bình