Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM thì, phần lớn thông tin lọt ra ngoài là số điện thoại của sản phụ. Số điện thoại thường lưu lại trong hồ sơ bệnh án để tiện cho công tác liên hệ với người bệnh, người nhà bệnh nhân. Việc rò rỉ thông tin sản phụ có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM (Ảnh: THU HIẾN)
Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh
 Ảnh Thu Hiền.

Cụ thể, mỗi bệnh viện có những hệ thống cung cấp cho người bệnh thông qua các tiện ích như: Nhắn tin thông báo cho người bệnh về những diễn tiến trong quá trình điều trị, đặc biệt trong lúc sanh, trước và sau khi mổ và những trường hợp trẻ nằm viện cấp cứu sơ sinh mà người nhà chưa tiếp cận được. Điều này, giúp người nhà nhanh chóng tiếp cận được thông tin, niềm vui của gia đình. 

Bên cạnh đó, thông tin cá nhân có thể ở các dịch vụ thông qua tổng đài đặt lịch khám chữa bệnh; giao dịch tiện ích không dùng tiền mặt; thông qua các hệ thống mà bệnh viện báo cáo theo quy định cho các cơ quan chủ quản theo yêu cầu. Hoặc có thể bản thân khách hàng cung cấp thông tin cho đơn vị cung cấp các dịch vụ khuyến mãi ở trong cũng như ngoài bệnh viện.

Bác sĩ Trần Ngọc Hải thông tin tại buổi họp báo
Bác sĩ Trần Ngọc Hải thông tin tại buổi họp báo. Ảnh SGGP.

Ông Hải cũng nhấn mạnh thêm, tại Bệnh viện Từ Dũ, hồ sơ bệnh án thường được quản lý rất chặt, chỉ những người có trách nhiệm mới được tiếp cận hồ sơ. Nhưng trong quá trình vận hành (đóng mộc, chuyển hồ sơ, chuyển khoa), một số công ty mà bệnh viện thuê trong quá trình di chuyển cũng là nguyên nhân gây ra việc lộ thông tin cá nhân người bệnh. Cùng với đó, là sự dễ dãi của người bệnh và nhân viên y tế ở một số bộ phận khiến thông tin cá nhân của sản phụ bị lộ. 

“Thông tin bị rò rỉ từ quá nhiều nguồn, ngay sau khi phát hiện vụ việc, bệnh viện đã họp với các bác sĩ và nữ hộ sinh, trưởng khoa, phòng để tăng cường công tác an ninh, đặc biệt là danh sách khách hàng. Điều này là sống còn của bệnh viện”, bác sĩ Trần Ngọc Hải khẳng định.

Ông Hải cũng đánh giá việc rò rỉ thông tin bệnh nhân là sự cố về truyền thông, nếu xử lý không khéo sẽ trở thành khủng hoảng, ảnh hưởng uy tín của TP. Hồ Chí Minh, ngành y tế và đặc biệt là Bệnh viện Từ Dũ. “Danh sách khách hàng là sống còn của bệnh viện, cơ sở dữ liệu từng người là điều cốt lõi, được xếp vào hồ sơ mật và phải được bảo vệ để không bị rò rỉ thông tin”, ông nói.

Trước sự việc này, bác sĩ Trần Ngọc Hải cho biết, Bệnh viện yêu cầu nhân viên nâng cao nhận thức, tránh dễ dãi trong công tác an ninh đảm bảo an toàn cho người bệnh. 

Bắt đầu từ hôm nay, Bệnh viện triển khai mã hóa toàn bộ số điện thoại của bệnh nhân trên hồ sơ bệnh án, bổ sung quy trình, phân quyền tiếp cận số liệu... hoàn thành trong vòng 12 giờ để ứng dụng ngay từ sáng nay chống mất cắp dữ liệu.

Trước đây những số liệu này của bệnh nhân được phân quyền cho bác sĩ trưởng khoa, nữ hộ sinh trưởng khoa, ai làm công tác nào thì người đó được tiếp cận. Nay bệnh viện can thiệp vào công tác quản lý số liệu, tăng tính bảo mật, ủy quyền công bố thông tin cho ai thì nhắn tin để làm bằng chứng xác thực với lãnh đạo Bệnh viện.

Bệnh viện cũng xây dựng quy trình bảo mật, phân quyền tiếp cận thông tin ngay từ ngày triển khai hồ sơ bệnh án, chỉ ban giám đốc ai phụ trách mảng nào thì được tiếp cận mảng đó. Đồng thời, Bệnh viện trang bị hệ thống bức tường lửa và giám sát phần mềm bảo mật, không chuyển cho bên thứ ba.

Bệnh viện cũng tăng cường nhắc nhở người nhà và bệnh nhân thận trọng khi chia sẻ thông tin, số điện thoại cho người khác. Sinh viên, học sinh đến viện học nếu chụp hình, quay phim hồ sơ thì bị yêu cầu dừng lại, không được tiếp tục học tập tại Bệnh viện.

Trước đó nhiều sản phụ phản ánh sau khi sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ thường bị gọi điện chào mời mua sữa, sử dụng dịch vụ chăm sóc mẹ và bé, sinh trắc dấu vân tay trẻ... Họ cho biết, thường xuyên nhận được cuộc gọi chào mời các dịch vụ sau khi khám thai, sinh con.

Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng và trở thành một trong những vấn đề nóng về an ninh, an toàn thông tin. Trong báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 10/08, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam đang bị thu thập, chia sẻ trên mạng với với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau.

Các dữ liệu cá nhân phổ biến bị thu thập hiện nay gồm: Thông tin nhân khẩu học (họ tên, giới tính, ngày sinh, địa chỉ), số CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng (bao gồm cả số dư). Trong một số vụ rò rỉ, thông tin bị chia sẻ còn bao gồm thân nhân, chức vụ, vị trí công tác, tài khoản online, mật khẩu.

Nguyên nhân chủ quan của tình trạng này là do người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, có tâm lý "sẵn sàng đánh đổi thông tin đời tư, thông tin cá nhân để lấy sự tiện ích về mặt công nghệ".

Điều này thể hiện ở việc nhiều thông tin được người dùng đăng tải công khai trên mạng hoặc chia sẻ trong quá trình làm việc mà không có biện pháp bảo vệ thích hợp.

Trên mạng xã hội, những bài lừa đảo dụ cung cấp số điện thoại để nhận thưởng ôtô, xe máy... vẫn thu hút hàng nghìn bình luận và không ít người để lại số điện thoại và địa chỉ liên lạc của mình.

Nguyễn Tùng