THCL “Tham gia TPP, nông nghiệp Việt Nam sẽ có những thuận lợi lớn đó là thuế quan nhiều nhóm sản phẩm sẽ giảm về 0%. Tuy nhiên, những khó khăn, rào cản sẽ không nhỏ bởi các nước sẽ thực hiện hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt hơn”. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT).
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT).
Dự kiến, Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Theo ông, nông nghiệp Việt Nam sẽ có những cơ hội như thế nào?
Sau khi ký kết Hiệp định TPP, các nước cần phải hoàn thiện thủ tục trong nước để thực hiện đúng các quy tắc, lộ trình giảm thuế như đã cam kết. Khi đó, với việc tham gia Hiệp định TPP, nông nghiệp Việt Nam đứng trước 3 cơ hội lớn.
Trước hết, việc thuế quan giảm xuống, sẽ mở rộng cơ hội XK cho nông sản Việt Nam. Hiệp định có cam kết sâu nhất: 95 - 100% dòng hàng hóa vào lộ trình xóa bỏ thuế NH (dài hạn); 70 - 95% dòng thuế được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực; còn lại được xóa bỏ theo lộ trình cơ bản là 3 - 10 năm, một số hàng hóa nhạy cảm xóa bỏ với lộ trình 11 - 15/16 năm.
Thứ hai đó là mở rộng hoạt động đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học - công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Đã ký kết TPP, một số nước không có lợi thế về nông nghiệp, khi giảm hàng rào bảo hộ nông nghiệp, có thể họ sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam. Khi có đầu tư từ nước ngoài, nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ được khoa học - kỹ thuật mới, thay đổi được cách làm truyền thống kém hiệu quả. Ví dụ, các nhà đầu tư tại Nhật Bản có sự đầu tư sản xuất lúa gạo với chất lượng cao bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất về Nhật Bản. Đó là điều kiện rất tốt để chúng ta hòa nhập với chuỗi giá trị toàn cầu, dần dần tăng lượng nông sản XK.
TPP cũng sẽ tạo ra một cơ hội tốt để giải quyết vấn đề việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia, ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ bùng nổ trên thị trường Hoa Kỳ. Một lượng lớn lao động nông nghiệp (khoảng 2 triệu lao động mới) sẽ tham gia vào khu vực ngành nghề này. Nếu Nhà nước có chiến lược phát triển và bảo đảm phúc lợi tốt, thì số lao động này có thể sẽ rời khỏi khu vực nông nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ làm ăn giỏi có thể tích tụ ruộng đất để trở thành những nông dân chuyên nghiệp.
Nhiều nhóm hàng sẽ giảm thuế NK về 0% trong thời gian ngắn. Theo ông, nhóm ngành nông nghiệp nào sẽ gặp những khó khăn, thách thức đầu tiên?
Nhìn chung, ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi Việt Nam tham gia TPP. Bởi hiện nay, mặc dù các mức thuế suất đối với các sản phẩm chăn nuôi còn khá cao, nhưng giá trị NK các sản phẩm này vẫn tăng nhanh trong thời gian qua. Ở đây, có nguyên nhân chính là năng lực sản xuất trong nước không theo kịp với nhu cầu tiêu dùng, chất lượng và giá cả của các sản phẩm trong nước không cạnh tranh được với sản phẩm NK.
Trong thời gian tới, nếu rào cản thuế quan được dỡ bỏ, thì các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt hơn của các sản phẩm thịt bò và sữa từ Australia và New Zealand, lợn gà từ Hoa Kỳ và Canada trên thị trường trong nước.
Vậy trong những thách thức mà nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt, thách thức nào lớn nhất?
Thách thức đầu tiên đó là việc các nông sản của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh của các sản phẩm NK ngay trên sân nhà. Nếu không nâng cao được năng lực cạnh tranh, các nhà sản xuất trong nước, nhất là các hộ nông dân nhỏ sẽ có thể bị gạt ra chuỗi cung ứng, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một điểm nữa, khi Hiệp định TPP được ký kết, các thành viên tham gia có thể giảm thuế suất, nhưng họ sẽ nâng cao các hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt hơn. Để thâm nhập, chiếm lĩnh được những thị trường giá trị cao và quy mô lớn như Hoa Kỳ và Nhật Bản, những sản phẩm của Việt Nam đang có lợi thế XK như gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản… cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật (TBT) và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS). Nếu không, dù thuế suất NK của các thị trường này bằng 0%, thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng không thể tiếp cận được.
Bên cạnh đó, các quy định khác của TPP về bảo vệ bản quyền (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất nông nghiệp, thuốc thú y…), vấn đề lao động, nguồn gốc xuất xứ… cũng được quy định rất chặt chẽ và chúng ta còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nếu không khắc phục được điểm yếu này, sẽ rất khó khăn cho cả nông dân lẫn các DN XK.
Có nhận định cho rằng, nhóm ngành thủy sản và nông nghiệp công nghệ cao được hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam tham gia TPP?
Hiện nay, phần lớn mức thuế XNK của các thành viên TPP đối với các sản phẩm thủy sản ở dạng nguyên liệu hoặc sơ chế (có mã số thuế HS 03) đã ở mức khá thấp (0 - 5%). Vì vậy, việc giảm thuế từ các cam kết TPP không có nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy XK các nhóm hàng này của Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều dư địa đối với các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao (mã số thuế HS 16) tại các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada. Vấn đề chính là hiện nay, khâu chế biến thủy sản của Việt Nam còn rất yếu. Phần lớn các sản phẩm thủy sản vẫn ở dạng tươi sống, đông lạnh hoặc phơi khô, thiếu các công nghệ tạo giá trị gia tăng cao như hun khói hay làm các chế phẩm sinh học. Do đó, để tận dụng được các dự địa thuế quan, Việt Nam cần phải đẩy mạnh công đoạn chế biến trong chuỗi giá trị thủy sản.
Cùng với đó, những thị trường quy mô lớn là Hoa Kỳ hay Nhật Bản, những sản phẩm mà Việt Nam đang có lợi thế XK như thủy sản cần phải vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, chúng ta cần phải thay đổi những gì?
Như tôi đã phân tích ở trên, không thể phủ nhận những thuận lợi và cơ hội của nông nghiệp Việt Nam khi tham gia TPP, nhưng cùng với đó còn nhiều điều cần chú ý. Do vậy, chúng ta cần phải có những kế hoạch và chiến lược cụ thể. Cần nâng cao sự hiểu biết, nhận thức của các tác nhân trong ngành nông nghiệp về hội nhập - tập trung vào các nhà quản lý cấp tỉnh, huyện, xã, DN, HTX, người sản xuất. Đối với những sản phẩm có lợi thế XK, cần thúc đẩy các hoạt động thương mại, xúc tiến đầu tư giữa các nhà đầu tư TPP với Việt Nam, giữa các nhà đầu tư Việt Nam với các thành viên TPP để tìm kiếm các cơ hội hợp tác mang lại, hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu và thương hiệu quốc gia của nông sản Việt Nam.
Cần rà soát kỹ các ngành hàng dễ bị tổn thương như chăn nuôi, mía đường…, đánh giá về mức độ ưu tiên và có những chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp người sản xuất có thể đối phó, hoặc ít nhất là giảm thiểu thiệt hại khi phải cạnh tranh với các nông sản từ TPP.
Chúng ta cần có chiến lược dài hơi để có thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe nhất. Cụ thể, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn chặt với các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng theo các cam kết quốc tế. Phải khẩn trương hoàn thiện chính sách; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, các quy định của TPP và các cam kết quốc tế khác. Từng bước nâng cao hiệu quả các rào cản SPS và TBT. Có như vậy, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mới thực sự phát triển và khẳng định được giá trị trên thị trường thế giới.
Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!
Phan Chinh - Ngọc Linh (Thực hiện)