Vì sao, CEO Đô Thị Kinh Bắc có mức thu nhập cao đột biến?
Trải qua 22 năm xây dựng và phát triển thương hiệu, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) đã được Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đánh giá là một trong những nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) có tỷ lệ lấp đầy KCN nhanh nhất và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiệu quả nhất tại tỉnh Bắc Ninh nói riêng và của cả nước nói chung.
Tiếp nối thành công, trong báo cáo “Thu nhập của Tổng Giám đốc và Hội đồng quản trị tại các công ty đại chúng ở Việt Nam năm 2023” do FiinGroup và FiinRatings công bố ngày 30/8/2024, thì Tổng Giám đốc các công ty niêm yết trên sàn tại Việt Nam có thu nhập năm 2023 bình quân 2,5 tỷ đồng/người. Trong đó, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc là nơi trả lương cao nhất.
Xét về tổng thu nhập, bao gồm: Lương, thưởng, thù lao và các lợi ích khác, KBC cũng có một con số đáng chú ý. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - người đang giữ chức Tổng Giám đốc (CEO) tại Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc có mức thu nhập cao nhất trong nhóm lãnh đạo các công ty trên sàn với gần 17 tỷ đồng trong năm 2023, tương đương hơn 1,4 tỷ đồng/tháng. Đây là con số vượt trội so với lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác, cao hơn cả “sếp” các ngân hàng thương mại cổ phần.
Như vậy, với số thu nhập này, CEO Nguyễn Thị Thu Hương phải nộp tới 5,73 tỷ đồng tiền thuế năm 2023.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất 6 tháng đầu năm đã soát xét của doanh nghiệp này, bà Hương có tổng thu nhập hơn 6,4 tỷ đồng tính đến thời điểm 30/6/2024, tương đương hơn 1 tỷ đồng/tháng (thấp hơn năm trước gần 400 triệu đồng/tháng).
Những năm trước đó, vị nữ tướng này nhận về dưới 10 tỷ đồng mỗi năm. Tại BCTC hợp nhất năm 2020 tiết lộ về tổng thu nhập bao gồm tiền lương, thù lao và thưởng của các thành viên HĐQT và Ban Tổng giám đốc tại Đô thị Kinh Bắc thì, bà Hương nhận thu nhập 9,67 tỷ đồng trong năm 2020. So với năm 2019, thu nhập của bà Hương tăng thêm hơn 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Hương có thêm thù lao 100 triệu đồng khi kiêm nhiệm chức danh thành viên HĐQT. Với số thu nhập này, CEO Nguyễn Thị Thu Hương phải nộp tới 3,1 tỷ đồng tiền thuế năm 2020. Như vậy, số tiền thực nhận sau khi trừ thuế của bà Nguyễn Thị Thu Hương là 6,4 tỷ đồng, tương đương bình quân 540 triệu đồng/tháng (bao gồm: Hơn 6,4 tỷ đồng thu nhập trên cương vị Tổng Giám đốc và 100 triệu đồng là thù lao thành viên HĐQT).
Thu nhập của bà Hương cao hơn tổng số của các thành viên trong ban điều hành cộng lại, bao gồm: Ông Phạm Phúc Hiếu – Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Người được ủy quyền công bố thông tin nhận 3,450 tỷ đồng (tương đương 287 triệu đồng/tháng); Bà Nguyễn Mỹ Ngọc – Phó Tổng giám đốc nhận 2,49 tỷ đồng (tương đương 208 triệu đồng/tháng) và ông Phan Anh Dũng – Phó Tổng giám đốc nhận 2,226 tỷ đồng (tương đương 186 triệu đồng/tháng). Như vậy, 3 cá nhân này cộng lại nhận tổng cộng 8 tỷ đồng trong năm 2020. HĐQT của KBC chỉ có một người không nhận thù lao là Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm.
Tìm hiểu được biết, thu nhập của Ban lãnh đạo Đô thị Kinh Bắc tiếp tục tăng dù kết quả kinh doanh năm 2020 sa sút, nhiều chỉ tiêu tài chính không hoàn thành. “Tính đến thời điểm 31/12/2020, Đô thị Kinh Bắc có tổng doanh thu hợp nhất đạt 2.468 tỷ đồng (giảm 25% so với năm 2019) và chỉ đạt 77% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế giảm đến 69%, xấp xỉ 320 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 39% kế hoạch đề ra”, theo tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
Mức thu nhập của bà Nguyễn Thị Thu Hương năm 2021 là 8,79 tỷ đồng – tương đương 732 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, bà Hương có thêm 100 triệu đồng tiền thù lao khi kiêm nhiệm chức danh thành viên HĐQT. Với số thu nhập này, CEO Nguyễn Thị Thu Hương phải nộp tới 2,8 tỷ đồng tiền thuế năm 2021. Năm 2021, Đô thị Kinh Bắc đặt mục tiêu doanh thu 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, nhưng kết quả chỉ đạt 4.245 tỷ đồng doanh thu và 1.351 tỷ đồng lợi nhuận.
Năm 2022, bà Nguyễn Thị Thu Hương có tổng thu nhập 9,94 tỷ đồng – tương đương 828 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, bà Hương có thêm thù lao 100 triệu đồng khi kiêm nhiệm chức danh thành viên HĐQT. Với số thu nhập này, bà Hương phải nộp tới 3,2 tỷ đồng thuế năm 2022.
Được biết, thu nhập được tính ở đây chưa bao gồm cổ phiếu ESOP, cổ tức, cổ phiếu thưởng, cũng như các lợi ích khác như: Nhà ở, học phí cho con, bảo hiểm gia đình và các hạn mức đi lại. Theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2024 của Đô thị Kinh Bắc, bà Hương sở hữu 399.304 cổ phiếu KBC (tỷ lệ 0,052%). Những người có liên quan trong gia đình bà Hương không sở hữu hoặc sở hữu lượng cổ phần không đáng kể.
Ngoài Kinh Bắc, bà Hương còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (SBG), là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng.
Nợ hơn 7 tỷ đồng tiền lương, thưởng và phúc lợi của nhân viên
Năm 2023, mặc dù thu nhập của Ban lãnh đạo KBC tiếp tục tăng, thậm chí CEO Tổng Giám đốc của KBC là người có thu nhập cao nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết, nhưng trong BCTC của KBC ghi nhận hơn 7 tỷ đồng tiền lương cùng các khoản khen thưởng phúc lợi phải trả cho người lao động của công ty.
Cụ thể, tại khoản nợ phải trả tính đến ngày 31/12/2023, KBC ghi nhận 105 triệu đồng tiền lương phải trả cho người lao động, con số này không giảm đáng kể so với năm 2022 (105,7 triệu đồng). Ngoài ra, Đô thị Kinh Bắc còn 6,98 tỷ đồng khoản nợ quỹ khen thưởng, phúc lợi (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khỏe, các khoản trợ cấp,…) dành cho nhân viên.
Cũng theo BCTC Hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024, KBC ghi nhận 104,2 triệu đồng tiền lương phải trả cho người lao động, giảm 0,6% so với năm 2023. Ngoài ra, Đô thị Kinh Bắc còn 7 tỷ đồng (tăng 0,7%) khoản nợ quỹ khen thưởng, phúc lợi (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khỏe, các khoản trợ cấp,…) dành cho nhân viên.
Trước đó, trong năm 2021, KBC cũng từng ghi nhận 9,45 tỷ đồng tiền lương phải trả cho người lao động, tăng gấp 70 lần so với năm trước đó (134,9 triệu đồng) và 6,87 tỷ đồng khoản nợ quỹ khen thưởng, phúc lợi (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khỏe, các khoản trợ cấp,…) dành cho nhân viên do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Mặc dù vậy, trong năm này CEO Nguyễn Thu Hương vẫn có mức thu nhập 8,793 tỷ đồng, chỉ giảm 881 triệu đồng so với năm 2020. (9,674 tỷ đồng).
Về nguyên tắc trả lương được quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 thì doanh nghiệp phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động (NLĐ). Về thời gian nợ lương tối đa của doanh nghiệp đối với NLĐ, tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 có quy định, trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Từ đó, có thể xác định thời gian nợ lương tối đa của doanh nghiệp đối với cá nhân là 30 ngày kể từ ngày nhận lương được ấn định trong hợp đồng lao động.
Trong trường hợp doanh nghiệp chậm trả lương cho NLĐ, tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định trong trường hợp trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì doanh nghiệp phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương. Như vậy, doanh nghiệp chỉ được nợ lương NLĐ nếu được xác định rơi vào trường hợp bất khả kháng.
Đồng thời, việc chậm lương từ 15 ngày trở lên, doanh nghiệp sẽ phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất phải bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm với mức lãi được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng.
Dù sở hữu quỹ đất lớn và được hưởng lợi từ dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam, nhưng kết quả kinh doanh của KBC trong những năm gần đây vẫn chưa đạt được kỳ vọng của cổ đông. Theo đó, trong năm 2022 và 2023, KBC đặt mục tiêu doanh thu lần lượt là 9.800 tỷ đồng và 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.500 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả khiến cổ đông "vỡ mộng" khi doanh thu năm 2022 chỉ đạt vỏn vẹn 1.397 tỷ đồng và năm 2023 đạt 5.858 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế năm 2022 chỉ đạt 1.576 tỷ đồng và năm 2023 là 2.245 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 50% kế hoạch đề ra.
Sang những tháng đầu năm 2024, tình hình kinh doanh của KBC vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Doanh thu KBC chỉ đạt 1.044 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 196 tỷ đồng.
Mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng năm 2023 vẫn đánh dấu kết quả kinh doanh tốt nhất kể từ khi niêm yết của doanh nghiệp này. KBC cũng đã mua lại và tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu trước hạn, đưa dư nợ trái phiếu về 0 đồng trước ngày 30/6/2023. Đến tháng 8/2024, công ty mới phát hành trở lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 2 năm và lãi suất 10,5%/năm, nhằm tái cơ cấu các khoản nợ.
Loạt dự án của Đô thị Kinh Bắc đang được triển khai ra sao?
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc được thành lập vào năm 2002, gắn liền với tên tuổi của ông Đặng Thành Tâm - người đã dẫn dắt công ty trong giai đoạn Bắc tiến.
Giai đoạn từ 2007 đến ngày 22/11/2012, ông Tâm trực tiếp làm Tổng Giám đốc KBC. Lúc đầu, công ty phát triển mạnh mẽ với việc đầu tư nhiều KCN lớn và thực hiện các thương vụ M&A như: KCN Quế Võ, KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh,… Vào tháng 11/2012, ông Đặng Thành Tâm rời vị trí Tổng Giám đốc và chuyển giao cho bà Nguyễn Thị Thu Hương.
Gắn bó với KBC từ những ngày đầu thành lập, bà Hương hiểu rõ các điểm mạnh, điểm yếu của Tổng công ty và đã dẫn dắt đơn vị vượt qua những giai đoạn khủng hoảng. Đô thị Kinh Bắc cũng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như: Ngân hàng, năng lượng, khoáng sản,… nhưng không hiệu quả. Vì vậy, từ năm 2016, KBC chỉ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là đầu tư, kinh doanh KCN và các dịch vụ đi kèm đồng thời từng bước phát triển Khu đô thị và Nhà ở xã hội gắn liền với phát triển KCN.
Tính đến 31/12/2023, quỹ đất KCN của KBC đang sở hữu hơn 6.610 ha, chiếm 5,09% quỹ đất KCN của cả nước. Trong đó, Kinh Bắc đã có 5 KCN được lắp đầy 100%, thu hút gần 300 nhà đầu tư nước ngoài.
Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán SSI thông tin về tiến độ hai dự án chính của Đô thị Kinh Bắc là KCN Tràng Duệ 3 và Khu đô thị Tràng Cát. Theo đó, cả hai dự án đều đã được đưa vào quy hoạch tổng thể điều chỉnh của TP. Hải Phòng và hiện đang chờ chấp thuận đầu tư trước khi mở bán.
Dựa trên tiến độ hiện tại, SSI Research đánh giá thủ tục pháp lý kéo dài sẽ khiến Đô thị Kinh Bắc khó có thể tiến hành cho thuê và bàn giao đất tại Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 cho khách hàng ngay trong năm nay. Dự kiến quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với khu công nghiệp này sẽ có sớm nhất vào đầu năm 2025.
Ngoài ra, SSI Research cũng cập nhật tiến độ loạt dự án lớn khác hiện nay của Đô thị Kinh Bắc gồm: Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (tỉnh Bắc Ninh), Khu công nghiệp Lộc Giang (tỉnh Long An) và Cụm công nghiệp Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên).
Đối với Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, theo ban lãnh đạo KBC đã đàm phán để giải phóng 50 ha mặt bằng trong 6 tháng đầu năm nay, dự kiến sẽ giải phóng tiếp 50 ha nữa trong nửa cuối năm để có đủ diện tích đất cho dự án cho thuê trong nửa cuối năm và các năm tiếp theo. “Tính đến cuối năm ngoái, Đô thị Kinh Bắc đã cho thuê 101,9 ha trong tổng số 204,1 ha đất thương phẩm tại Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh. Với tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án, SSI Research nhận định Đô thị Kinh Bắc sẽ có thêm quỹ đất sạch để cho khách hàng thuê kể từ năm sau. Trong nửa đầu năm nay, Đô thị Kinh Bắc đã bàn giao 5 ha đất công nghiệp tại Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh cho khách hàng”, theo báo cáo thường niên năm 2023.
Đối với Khu công nghiệp Lộc Giang, tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/2.000 của dự án. Tổng diện tích đất của khu công nghiệp là 466 ha, bao gồm 320 đất công nghiệp.
Trước đó, vào tháng 4/2022, Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc (Đô thị Kinh Bắc chi phối 74,3% vốn) được chỉ định là chủ đầu tư của dự án, với tổng chi phí đầu tư ước tính là 5.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này gặp khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng và đến tháng 6/2024, tổng chi phí đầu tư cho dự án chỉ là 48,3 tỷ đồng. Nhằm thúc đẩy dự án, chính quyền huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã phê duyệt phương án bồi thường cho 95,8 ha của dự án, với tổng chi phí bồi thường là 749 tỷ đồng trong tháng 7/2024.
Đối với Cụm công nghiệp Hưng Yên, Tập đoàn Hưng Yên (Đô thị Kinh Bắc sở hữu 95% vốn) đã được chấp thuận làm chủ đầu tư cho 3 cụm công nghiệp tại tỉnh Hưng Yên với quy mô đất là 225 ha (75 ha cho mỗi cụm công nghiệp).
Sau khi được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2023, cho phép Đô thị Kinh Bắc chuyển đổi đất trồng lúa sang đất công nghiệp cho 2 cụm là Cụm công nghiệp Đặng Lễ và Cụm công nghiệp Kim Động. Tính đến tháng 6/2024, Đô thị Kinh Bắc đã trả 334 tỷ đồng tiền đền bù. “KBC sẽ hoàn thành quá trình giải phóng mặt bằng trong năm nay và bắt đầu khai thác thương mại hai cụm công nghiệp trên kể từ năm 2025”, SSI Research đánh giá.
Liên quan đến KBC, ngày 9/10, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bán ra 300.000 cổ phiếu Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc để giảm sở hữu từ 5,04% về 4,999% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn tại Kinh Bắc. Trong đó, quỹ thực hiện giao dịch là Amersham Industries Limited bán ra 200.000 cổ phiếu và quỹ Norges Bank bán ra 100.000 cổ phiếu.
Ngày 28/5, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã mua thêm 100.000 cổ phiếu KBC để nâng sở hữu từ 4,99% lên hơn 5% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn tại Kinh Bắc.
Như vậy, sau 4 tháng trở thành cổ đông lớn tại Kinh Bắc, Dragon Capital đã quay lại bán ra cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn.
Một điểm đáng lưu ý liên quan tới cổ đông, trước đó, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc đã không chuyển nhượng cổ phiếu KBC nào trong tổng đăng ký chuyển nhượng 86.550.000 cổ phiếu trong thời gian đăng ký từ ngày 9/9 đến ngày 8/10, vì vậy vẫn sở hữu 18,06% vốn điều lệ KBC.
Lý giải về việc đăng ký nhưng không giao dịch, ông Đặng Thành Tâm cho biết do chưa hoàn tất thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền để chuyển nhượng cho CTCP Đầu tư và Phát triển DTT.
Minh An
(Còn nữa)